TỔNG QUAN TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH HUYỆN BÙ ĐỐP

Tổng quan tình hình phát triển KT-XH huyện Bù Đốp sau 10 năm thành lập (2003-2013) và mục tiêu đến 2015

Bù Đốp được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/5/2003 trên cơ sở tách ra từ huyện Lộc Ninh (theo Nghị định 17/NĐ-CP ngày 20/02/2003 của Chính Phủ). Là huyện miền núi, biên giới có tổng diện tích tự nhiên 37.926 ha, dân số tính dến cuối năm 2012 là 54.365 người, trong đó có 16 đồng bào DTTS chiếm 17,3%. Huyện có 06 xã (Hưng Phước, Phước Thiện, Thiện Hưng, Thanh Hòa, Tân Tiến, Tân Thành, 01 thị trấn (TT. Thanh Bình), đường biên giới dài 73,3 km, giáp với Vương quốc Campuchia.


Trong 10 năm qua (2003-2013), được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đốp không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, từ đó tình hình kinh tế-xã hội của huyện từng bước có sự chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của Tỉnh nhà.
Nền kinh tế của huyện hàng năm tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,39%/ năm; tổng sản phẩm GDP năm 2012 đạt 406,62 tỷ đồng (giá CĐ 1994), tăng 2,77 lần so với năm 2003; thu nhập bình quân đầu người năm 2012: 7,53 triệu đồng (GCĐ 1994) tăng 2,5 lần so với 2003; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, cụ thể: tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng năm 2012 chiếm 6,22% (tăng 4,7 lần so với 2003), ngành dịch vụ chiếm 19,26% (tăng 1.5 lần so với 2003); còn lại là nông-lâm-thủy sản chiếm 74,52% (giảm so với năm 2003 là 11,67% do chuyển dịch cơ cấu). Năm 2012, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 140,86 tỷ đồng tăng 20.83 lần so với 2003; tính đến nay huyện huyện có 86 công ty, doanh nghiệp, tăng 69 doanh nghiệp và có 929 hộ kinh doanh, tăng 558 hộ so với năm 2003. 
Thế mạnh của huyện có nguồn lao động trẻ, dồi dào, tự nhiên ưu đãi với đất đai rộng, phì nhiêu, khí hậu ôn hòa phù hợp để canh tác các cây trồng có giá trị kinh tế (cao su, hồ tiêu, ca cao, cây ăn trái…). Trong những năm qua huyện đã chú trọng phát triển nông nghiệp, diện tích và sản lượng cây công nghiệp tăng lên đáng kể. Tổng diện tích gieo trồng năm 2012 đạt 23.496 ha, tăng 7.781 ha, trong đó tăng đáng kể là diện tích cây cao su là 10.510 ha, tăng 7.209ha so với 2003; giải quyết việc làm cho 1.995 lao động địa phương.
Khi mới thành lập huyện phần lớn cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, tạm bợ. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay huyện Bù Đốp đã có nhiều đổi thay rõ rệt, thuận lợi cho phát triển sản xuất và thu hút đầu tư. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong 10 năm được Tỉnh quan tâm đầu tư 151 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều Chương trình của Chính phủ như 134, 135, 160, 168… được chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó phải kể đến các công trình kiên cố hóa trường lớp học, kiên có hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, trụ sở làm việc của huyện, xã và chương trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân... Nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được thực hiện từ năm 2011 đến nay tại 02 xã điểm (xã Tân Thành, Thiện Hưng) đã mang lại hiệu quả thiết thực (tổng số vốn của Chương trình nông thôn mới đã đầu tư là 7,1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh) Sự phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng đã góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện; Bến xe huyện được đầu tư xây dựng tạo điều kiện để lưu thông, trao đổi mua bán hàng hóa giữa địa phương với các huyện khác trong tỉnh và huyện bạn Campuchia giáp ranh; Ý thức tầm quan trọng của điện lưới và trao đổi thông tin trong cuộc sống, trong 10 năm qua huyện đã đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực này. Hiện nay điện lưới quốc gia đã được kéo đến 100% trung tâm xã, 51/52 ấp có điện sử dụng, 11.768 hộ sử dụng điện, chiếm 87,5% số hộ trên địa bàn; tỷ lệ sử dụng điện thoại cố định lên tới 17,56%.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhiều công trình trọng điểm đã được đầu tư xây dựng như: Nhà thi đấu đa năng, nhà thiếu nhi, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên và ngày càng phát triển sâu rộng trong quần chúng. Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân dư”được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần phát huy tình đoàn kết và giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc trên địa bàn huyện. Lĩnh vực giáo dục được quan tâm hơn nhằm nâng cao trình độ dân trí cộng đồng: Mạng lưới trường học mẫu giáo, nhà trẻ, tiểu học, THCS…được đầu tư xây dựng đến các thôn, ấp vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho con em được đến trường (Huyện đã có 26trường học 12.779 học sinh các cấp). Hàng năm, huy động được 95-98% trẻ em trong độ tuổi đến trường, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt trên 95%, xét tốt nghiệp Tiểu học, THCS đạt 100%; THPT với 95% học sinh đậu tốt nghiệp, hoàn thành xóa mù chữ bậc tiểu học và giữ vững phổ cập giáo dục THCS; có 02 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; Cơ sở y tế từ tuyến huyện đến xã được quan tâm đầu tư xây dựng (công trình Trung tâm Y tế, xây dựng Bệnh viện đa khoa với quy mô 70 giường bệnh, các Trạm xá xã); đến nay 7/7 Trạm y tế xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất; có 5/7 Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về đội ngũ y, bác sỹ; công tác vận động, tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm tác động đến ý thức của người dân trong việc thực hiện KHHGĐ.
Nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, huyện quan tâm chăm sóc đối tượng chính sách và xã hội trên địa bàn, các chế độ được giải quyết kịp thời; Thực hiện việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, thường xuyên thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng trong các dịp lễ tết. Vận động xây dựng được 74 căn nhà tình nghĩa (tổng trị giá 1 tỷ 860 triệu đồng) và 814 căn nhà tình thương (tổng trị giá 11,7 tỷ đồng); Cấp đất ở cho 460 hộ cho đồng bào DTTS (theo CT 134/CP) với tổng diện tích 268,83 ha, giúp các hộ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Bằng các giải pháp tích cực và đồng bộ, từ đó số hộ nghèo đã giảm xuống đáng kể, hiện chỉ 954 hộ nghèo (3.551 khẩu) chiếm 7,14% dân số toàn huyện (tính theo chuẩn mới), giảm 19,43% so với năm 2005 và hộ cận nghèo là 1.427 hộ, chiếm 10,85% dân số toàn huyện.
Quốc phòng, an ninh được đảm bảo ổn định. Thực hiện tốt công tác đối ngoại với chính quyền và lực lượng vũ trang các huyện Campuchia giáp ranh; Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Duy trì nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực tác chiến, trực sẳn sàng chiến đấu; Công tác động viên tuyển quân hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao.
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua vẫn còn một số mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra nhưng chưa hoàn thành. Tốc độ tăng trưởng không ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển đổi chậm, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Nông-lâm thủy sản chiếm 74,52%), trình độ phát triển chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và lao động cũng như các tiềm năng khác của địa phương; kết cấu hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của huyện mới; việc triển khai quy hoạch nông thôn mới của 02 xã điểm (xã Tân Thành, Thiện Hưng) còn chậm; công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững; đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao còn thiếu; lĩnh vực giáo dục còn khó khăn, tình trạng học sinh các cấp bỏ học nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành quả đạt được trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện quyết tâm đoàn kết một lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Với mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội theo hướng toàn diện và đồng bộ; duy trì phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Phấn đấu đến 2015 tổng thu nhập đạt trên 503 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5%, thu nhập bình quân đầu người (giá CĐ 1994) đạt 8,871 triệu đồng/người/năm; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đề ra tăng dần tỷ trọng ngành CN-DV, cụ thể: ngành nông-lâm-thủy sản 68%, công nghiệp-xây dựng chiếm 10,5% (tăng 4,28% so với năm 2012), thương nghiệp-dịch vụ đạt 21,5% (tăng 2,24% so với năm 2012); sử dụng có hiệu quả các nguồn thu ngân sách, thực hiện tiết kiệm chi 10%, ưu tiên chi đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh được giữ vững, tăng cường mối quan hệ hữu nghị với các huyện bạn có chung đường biên giới; tiếp tục củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các khu vực trọng điểm, tạo thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo dân chủ trong mọi tình huống; củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
 

 Ban Tuyên Giáo  Huyện ủy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây