Sinh hoạt Công đoàn tháng 5: Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn!

Thứ hai - 20/05/2024 16:49
Chúng ta vừa trải qua khí thế sục sôi của kỷ niệm 49 năm đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2024 và kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ 07/5/1954-07/5/2024. Với niềm kính yêu và biết ơn vô hạn, chúng ta nhớ tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.
 
    Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
          Từ làng Sen có một người trai trí lớn, mang lý tưởng cách mạng giải phóng quê hương. Lý tưởng ấy được hun đúc từ khi còn nhỏ với những đêm đi nghe hát phường, quần còn sắm gối, chứng kiến cảnh dân mất nước sống lầm than mà trước cuộc đời đành bó tay. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Người đã chứng kiến sự đối lập giữa cuộc sống lao động nghèo khổ của nhân dân với cảnh sống xa hoa, phè phỡn của bọn thực dân Pháp. Người đã thấy được những  cuộc biểu tình chống sưu thuế của nông dân bị đàn áp dã man và sự thất bại của các phong trào yêu nước. Theo Người, muốn cứu nước phải tìm ra một con đường cách mạng mới. Từ đây, Người đã quyết tâm tìm cách sang Pháp và các nước phương Tây, Người khẳng định: "Tôi muốn ra nước ngoài xem, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta". Ngày 5/6/1911, người thanh niên 21 tuổi mang tên Nguyễn Tất Thành đã rời cảnh nhà Rồng đi tìm đường cứu nước. Người vừa lao động để kiếm sống, vừa học tập, nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Người muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau cụm từ “tự do, bình đẳng, bắc ái”. Từ năm 1911 đến năm 1917, Người đã đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đã tận mắt thấy cuộc sống khổ cực của nhân dân và những tội ác, thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân. Người cho rằng nhân dân lao động các nước, trong đó có giai cấp công nhân, đều bị bóc lột có thể là bạn của nhau, còn chủ nghĩa đế quốc, bọn thực dân ở đâu cũng là kẻ bóc lột, là kẻ thù của nhân dân lao động. Năm 1917, Người tham gia phong trào công nhân Pháp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.
Năm 1919, Người tham gia "Hội những người Việt Nam yêu nước" vào Đảng Xã hội Pháp- đảng của giai cấp công nhân Pháp, Người đã cùng với một số nhà yêu nước Việt Nam thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam lấy tên Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Vécxây đòi quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Đây là tiếng nói chính nghĩa đầu tiên của đại biểu phong trào giải phóng dân tộc.
Hình ảnh Bác Hồ tại Đại hội Tours năm 1920
Tháng 7/1920, Người đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Người hiểu hơn về chủ nghĩa Lênin, Quốc tế Cộng sản, về cách mạng vô sản, về phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, Người viết: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"
Những năm 1920-1930, cùng với những nhà hoạt động cách mạng của các thuộc địa Pháp, Người thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa và xuất bản báo Người cùng khổ (Le Paria) bằng tiếng Pháp. Năm 1925, Người đã viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, nhằm tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp nêu rõ nỗi thống khổ và sức mạnh của nhân dân các nước thuộc địa. Tại Quảng Châu, Nguời thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội mở lớp huấn luyện, đào tạo trực tiếp cán bộ cho cách mạng Việt Nam, ra báo Thanh niên bằng tiếng Việt. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin và lý luận cách mạng cho những người yêu nước. Các bài giảng của Người tại lớp huấn luyện được tập hợp in thành cuốn Đường Cách mệnh (1927) đề cập nhiều nội dung, nhiều vấn đề trong đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ ra báo Người cùng khổ (Le paria) tại Pháp năm 1922
Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập năm 1930. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành.
Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn cũng rất sâu sắc. Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản.Từ khi trở thành người cộng sản, người đã tích cực tìm kiếm những hình thức nhằm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân Việt Nam, đặt nền móng xây dựng những cơ sở đầu tiên cho tổ chức công đoàn nước ta.Tháng 7-1924, Người tham gia Đại hội III “Quốc tế công hội đỏ” tại Mat-xcơ-va, là đại biểu duy nhất cho giai cấp công nhân thuộc địa và đọc bản tham luận nói lên tiếng nói chính thức đầu tiên của một đại biểu của phong trào công nhân và Công đoàn nước ta trên diễn đàn quốc tế. Người xác định: “Tổ chức công hội trước là để  cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang lại cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân...”. Như vậy là vào thời kỳ này, Người đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi của người lao động. Quả thực, cho đến nay, chức năng cơ bản của công đoàn vẫn là bảo vệ lợi ích của người lao động.
https://cdnmedia.baotintuc.vn/2014/04/24/07/59/bac-ho-cong-nhan%20(2).jpg
  Bác Hồ với công nhân ngành dệt
Bác Hồ thăm gia đình công nhân Trường cán bộ Công đoàn năm 1961
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Thời gian càng lùi xa chúng ta càng nhận rõ tính nhân văn và sự vĩ đại của Người. Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm khảm của chúng ta, soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi. Cả cuộc đời 79 mùa Xuân, cuộc đời vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản vô cùng quý báu là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người
“Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn. Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi…”. Lời thơ ấy đã nói lên tình cảm và nguyện ước của mỗi chúng ta. Đó cũng chính là lời nhắn nhủ, nhắc nhở suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta hôm nay phải tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình trong cuộc sống, xứng đáng với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.
Tác giả bài viết: Hương Loan
Ảnh: sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây