Theo tỉnh Bình Phước, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh mà nòng cốt là lực lượng Công an đã tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Tỉnh cũng tuyên truyền về các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID bước đầu đã được người dân tiếp cận, sử dụng ứng dụng phục vụ nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày như: sử dụng thông tin về cư trú, thông tin thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip và các loại giấy tờ cá nhân đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch, giải quyết TTHC trên các nền tảng công nghệ; thực hiện thông báo lưu trú, phản ánh kiến nghị về an ninh trật tự , khai báo y tế thông qua ứng dụng VNeID...
Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển công dân số, phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo thống kê từ Bộ Công an, tính đến ngày 14/6/2023, toàn tỉnh Bắc Kạn mới có 271.948 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử, chiếm 31,5% dân số đủ điều kiện (38.100 hồ sơ mức 1 và 233.848 hồ sơ mức 2), trong đó chỉ có 90.131 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt thành công (12.371 hồ sơ mức 1 và 77.760 hồ sơ mức 2), đạt 18% và đứng thứ 43/63 tỉnh, thành toàn quốc, chậm tiến độ so với yêu cầu của Chính phủ đã đề ra.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc “tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030” tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; Kết luận số 999-KL/TU ngày 12/5/2023 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước và để thể hiện quyết tâm chính trị, tạo sự đồng thuận, tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là người dân trong công tác đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chiến dịch “90 ngày, đêm” thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.
Chiến dịch thực hiện theo 02 giai đoạn:
Giai đoạn 1 - Chiến dịch cao điểm 25 ngày, đêm: thực hiện từ ngày 20/6/2023 - 15/7/2023, phấn đấu đạt tối thiểu 500.000 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt thành công.
Trong đó, đảm bảo 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ) cấp tỉnh, huyện xã trên địa bàn tỉnh: (1) có tài khoản định danh điện tử mức độ 2; (2) đã cài đặt, đăng nhập tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID; (3) sử dụng tài khoản định danh điện tử đã có để truy cập vào Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC của tỉnh.
Đồng thời, mỗi lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh: tuyên truyền, vận động người dân đã có CCCD, chưa cài đặt ứng dụng VNeID, chưa đăng ký định danh điện tử mức độ 1 (tự đăng ký trên ứng dụng VNeID) hoặc mức độ 2 (tại bộ phận thu nhận hồ sơ cấp CCCD lưu động hoặc cố định tại bộ phận một của các cấp) thực hiện thành công việc làm thủ tục đăng ký định danh điện tử mức độ 1 hoặc mức độ 2 cho phù hợp (khuyến khích người dân đi làm mức độ 2)….
Giai đoạn 2 - Về đích: thực hiện từ ngày 16/7/2023 - 20/9/2023, phấn đấu cấp tài khoản định danh cho 80% dân số đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.
92 ngày đêm hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)
Trước đó, tỉnh Bình Phước đã thực hiện thành công “Chiến dịch 92 ngày đêm, Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn từng người sử dụng DVCTT”.
Kết thúc triển khai chiến dịch, tỉnh đã đạt một số kết quả rất tốt như tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ tại cấp tỉnh (các sở, ban, ngành) đạt 99,52% (vượt 19,52% so với mục tiêu); Bộ phận Một cửa cấp huyện đạt 96,39% (vượt 16,39% so với mục tiêu); Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện 87,97% (vượt 7,97% so với mục tiêu); Bộ phận Một cửa cấp xã 98,86% (vượt 18,86% so với mục tiêu).
Tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của chiến dịch được hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch đề ra: cấp tỉnh (các sở, ban, ngành) trước 82, 89%, sau đạt 99,48% (vượt 49,48% so với mục tiêu); Bộ phận Một cửa cấp huyện trước 49,94%, sau đạt 99,85% (vượt 49,85% so với mục tiêu); Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện trước đạt 15,13%, sau đạt 95,68% (vượt 4,8% so với mục tiêu); Bộ phận Một cửa cấp xã trước đạt 87%, sau đạt 97,26% (vượt 47,26% so với mục tiêu).
Về công tác số hóa hồ sơ, trước chiến dịch đạt 20%. Sau chiến dịch, tỷ lệ này đối với cấp tỉnh là 98,05%.
Về thanh toán trực tuyến, trong thời gian thực hiện chiến dịch, bình quân 1 tháng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí tăng gấp 15 lần số giao dịch, gấp hơn 8 lần số tiền so với trước chiến dịch; thanh toán trực tuyến lĩnh vực đất đai tăng 1,9% số giao dịch, tăng 69,2% số tiền so với trước chiến dịch. Tổng số thanh toán phí, lệ phí với 4.336 giao dịch (764,7 triệu đồng), thanh toán nghĩa vụ tài chính với 18.615 giao dịch (199,8 tỷ đồng).
Từ thành công trong thực hiện chiến dịch, mới đây tỉnh Bình Phước đã báo cáo với Bộ TT&TT về 4 bài học được rút ra từ chiến dịch:
Một là, triển khai các nhiệm vụ CĐS nói chung, DVCTT nói riêng cần có sự đồng thuận, hiệp lực “trên dưới một lòng” từ tỉnh đến cơ sở; có sự quyết liệt, gương mẫu, sáng tạo, đi đầu của người đứng đầu các cấp; cần phát huy sự trợ giúp tích cực của các Tổ CNSCĐ.
Hai là, cần huy động các nguồn lực xã hội hóa như: hỗ trợ điện thoại thông minh; hỗ trợ tiền điện thoại, biểu dương, khen thưởng kịp thời cho những thành viên tham gia Tổ CNSCĐ, để họ có thêm phương tiện nghiên cứu, tuyên truyền và yên tâm cống hiến trong hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.
Ba là, thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng (cả hình thức tập trung và trực tuyến) cho các thành viên Tổ CNSCĐ để họ nâng cao kiến thức, kĩ năng, nghiệp vụ hướng dẫn, tuyên truyền.
Bốn là, để CĐS thành công thì mỗi người dân phải trở thành công dân số, biết cài đặt và sử dụng các ứng dụng, nền tảng, tiện ích số và DVCTT. Do đó, ngoài lực lượng Tổ CNSCĐ trực tiếp tham gia tuyên truyền, hướng dẫn thì cần có sự vào cuộc “đồng bộ, thường xuyên, liên tục, lâu dài” của các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền thanh cơ sở để nâng cao nhận thức người dân, hướng dẫn kỹ năng số từng ngày, từng giờ…/.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn