Trong ngôi nhà nằm sâu trên phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân - Hà Nội, nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản kể với Tiền Phong rằng, ông may mắn được làm việc với Tổng Bí thư nhiều năm ở Tạp chí Cộng sản. Trong khoảng thời gian đó, và cả sau này, ông có được trao đổi nhiều lần với Tổng Bí thư về vấn đề nêu gương. Tổng Bí thư cũng nhiều lần nói “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân Hải Phòng, tháng 11-2017
“Có một lần, khi thưa chuyện với Tổng Bí thư, tôi nói: Cái cao cả nhất của con người là liêm sỉ, là danh dự thì Tổng Bí thư nói: “Em nói từ từ”. Sau này tôi bày tỏ suy nghĩ của tôi bằng một bài viết rất cụ thể, đó là bài “Liêm sỉ và Quốc sỉ” trên Tạp chí Cộng sản. Theo tôi, liêm là sự trong sạch, sỉ là sự biết xấu hổ… Thế mà người ta dám cả gan móc trộm quốc khố hàng trăm tỷ mà vẫn lên mặt đạo đức”, ông nói.
Chia sẻ thêm, ông kể, khi sơ kết Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đặc biệt, trong Phiên họp thứ nhất của Chính phủ khóa XV, Tổng Bí thư đọc nguyên văn bài viết đó trên Tạp chí Cộng sản. Tổng Bí thư nói rõ, đây là một ý kiến của nhân dân mà Tổng Bí thư muốn gửi đến Hội nghị của Chính phủ, gửi tới Hội nghị Sơ kết Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. “Nghĩa là Tổng Bí thư lắng nghe lòng dân”, nhà báo Nhị Lê nói.
Vậy nên, theo nhà báo Nhị Lê: “Những lúc mà còn đương chức, đương quyền hãy đo cán bộ bằng đôi mắt của người dân. Một đôi mắt không hài lòng, một đôi mắt nheo cười thì đo được cán bộ ở đấy! Khi cán bộ rời khỏi chức vụ, đi về với trăm năm thì hãy đo trên đôi mắt của dân - những giọt lệ nhỏ xuống”.
“Khi người đứng đầu trong sạch, thực sự là ngọn cờ; được lòng dân ủng hộ thì đó là bức tường thành vững chắc nhất, ngăn cản tất cả bão lũ, dù của trời hay của con người”. Nhà báo Nhị Lê |
“Gắn bó với Tổng Bí thư nhiều năm, ông có bị áp lực phải nêu gương “noi theo” không? Có khi nào ông bị Tổng Bí thư nhắc nhở phải đi đúng đường, giữ liêm sỉ, tự trọng để không bị lệch hướng?”, tôi hỏi.
“May mắn là tôi chưa bao giờ bị Tổng Bí thư nhắc như vậy cả. Suốt quá trình công tác với Tổng Bí thư, từ lúc tôi 25 tuổi”, nhà báo Nhị Lê nói. Ông chia sẻ thêm rằng, Tổng Bí thư hay tâm sự và tự bản thân ông cũng khắc chế là “làm nhà báo không được vòi vĩnh”.
“Tổng Bí thư nói rất rõ và tôi cũng thế: Cái gì không phải của mình thì không nhận. Khi giữ một chút chức vụ, thì lúc chia phần, nhìn ông nào ôm thủ lợn thì đó chính là kẻ tiểu nhân. Tôi luôn luôn nhớ, người biết chịu thiệt thòi một tí mới dẫn dắt được người khác. Trong quá trình làm việc, may mắn thay tôi cũng chưa bao giờ bị Tổng Bí thư nhắc nhở chuyện này”, nhà báo Nhị Lê nói.
Nhà báo Nhị Lê
Ông cũng tâm sự rằng khi một người thủ trưởng, đàn anh của mình mà ngay ngắn thì “tất nhiên mình không cong queo được”. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, những nhiệm kỳ qua, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành nhiều quy định liên quan đến vấn đề nêu gương.
“Cũng như trong gia đình, nếu mình không xứng đáng là người cha, người mẹ gương mẫu, con cái tất không nghe; bước ra ngoài mà thưởng phạt không phân minh, tất loạn. Cho nên người đứng đầu rất quan trọng. “Ngàn quân dễ kiếm, một tướng rất khó tìm”. Khó nhất người đứng đầu, một bộ máy, một đất nước, một dân tộc cũng thế - đó là ngọn cờ”, nhà báo Nhị Lê nói.
Lòng dân - bức tường thành vững chắc
Chia sẻ về “người cầm cờ” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhà báo Nhị Lê nói rằng: Vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Bề trên ở chẳng kỷ cương, cho nên kẻ dưới lập đường mây mưa. Giọt mưa trước rỏ đâu, giọt mưa sau rỏ đấy. Nhà dột từ nóc dột xuống, quả bí thối từ ruột thối ra.
“Đó là kinh nghiệm ông cha ta về vấn đề này. Người đứng đầu không nghiêm, dưới tất loạn. Người ở trong rường cột mà không trong sạch thì còn nguy hơn sự tác động bên ngoài. Cho nên vấn đề nắm chắc đội ngũ người đứng đầu, chọn đúng người đứng đầu tôi chắc rằng ít nhất chúng ta đã khắc chế được 50% trong đại cuộc này”, ông nói.
Theo nhà báo Nhị Lê, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập (sau này là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến công tác cán bộ. Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh, phải có bàn tay sạch mới chống được tham nhũng. Vì không thể, “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”. Tổng Bí thư và Bộ Chính trị hết sức quan tâm việc lựa chọn những cán bộ thực sự trong sạch để tham gia bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhà báo Nhị Lê trong một lần làm việc với người anh, người thầy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
“Lựa chọn cán bộ hãy bắt đầu từ lúc cán bộ còn bé. Chúng ta thường lựa cán bộ bằng các bản báo cáo. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, nếu khi còn bé ông ta đã ăn trộm ngòi bút của bạn bè, đi qua hàng xóm ngắt trộm một quả táo, thì lúc lớn lên, không ai bảo đảm ông ta không dám cả gan dắt trộm con bò của quốc khố, thậm chí bê cả một cơ ngơi của quốc gia về nhà mình”, nhà báo Nhị Lê nói.
Dẫn chân lý “muốn ướp mặn được người khác, mình phải thực sự là muối”, nhà báo Nhị Lê nói rằng, đó mới là vấn đề lớn nhất về công tác cán bộ, về tư cách, phẩm hạnh của cán bộ hiện nay nói chung, chứ không phải chỉ riêng trên địa hạt phòng chống tham nhũng.
Nhà báo Nhị Lê nói rằng, nếu không được lòng dân sẽ không có gì cả. “Khi người đứng đầu trong sạch, thực sự là ngọn cờ, được lòng dân ủng hộ thì đó là bức tường thành vững chắc nhất, ngăn cản tất cả bão lũ, dù của trời hay của con người”, ông nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn