Đặt câu hỏi

Tài liệu hỏi đáp: Công tác phân giới - cắm mốc

Giải đáp về Công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2015?

Trả lời

Câu 1: Biên giới quốc gia là gì và cách xác định đường biên giới của một quốc gia?

Biên giới quốc gia  giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời của một quốc gia.

Cách xác định đường biên giới của một quốc gia làđường và mặt thẳng đứng theo đường đi qua đường xác định phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó.

Câu 2: Biên giới quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam được xác định như thế nào?

Theo Luật Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003: Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Câu 3: Khu vực biên giới đất liền là gì? Các dấu hiệu nhận biết khu vực biên giới, vành đai biên giới?

 Khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.

 Khu vực biên giới, vành đai biên giới được xác định bởi hệ thống các cột mốc, dấu mốc hoặc các biển báo; biển báo theo mẫu thống nhất và cắm ở nơi cần thiết và dễ nhận biết.

Câu 4: Mốc quốc giới là gì và mốc giới là gì?

Mốc quốc giới là dấu hiệu bằng vật thể dùng để đánh dấu đường biên giới quốc gia trên đất liền.

Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.

Mốc giới bao gồm mốc chính và mốc phụ, được cắm trên đường biên giới hoặc hai bên đường biên giới, là vật thể dùng để đánh dấu đường biên giới và thể hiện hướng đi của đường biên giới tại thực địa.

Tọa độ của các mốc giới được đo tại thực địa và thể hiện trong các văn kiện phân giới, cắm mốc và kiểm tra liên hợp.

 

Câu 5: Vành đai biên giới là gì và công trình biên giới là gì?

Vành đai biên giới là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trở vào, được thiết lập nhằm quản lý, kiểm soát các hoạt động của người, phương tiện trong vành đai biên giới; duy trì an ninh, trật tự và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật; nơi hẹp nhất là 100m, nơi rộng nhất không quá 1.000m, trừ những trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Công trình biên giới là công trình được xây dựng để cố định đường biên giới quốc gia, công trình phục vụ việc quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.

Câu 6: Những ai được cư trú và không được cư trú ở khu vực biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia?

1. Những người được cư trú ở khu vực biên giới

a. Là cư dân biên giới.

b. Người có giấy phép của cơ quan Công an có thẩm quyền cho phép cư trú ở khu vực biên giới đất liền.

c. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân viên quốc phòng, hạ sỹ quan, chiến sỹ Quân đội nhân dân; sỹ quan, công nhân viên chức, hạ sỹ quan nghiệp vụ, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật Công an nhân dân có đơn vị đóng quân ở khu vực biên giới đất liền.

2. Những người không được cư trú ở khu vực biên giới

a. Người đang thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấm cư trú ở khu vực biên giới đất liền, người chưa được phép xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh.

b. Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

c. Người đang bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế.

d. Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

đ. Những người không thuộc diện quy định tại Mục 1 ở trên.

Các đối tượng quy định tại điểm a,b,c,d nêu trên không áp dụng đối với cư dân biên giới.

Câu 7: Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền là gì?

1. Làm hư hỏng, hủy hoại, xê dịch hoặc mất mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “công trình biên giới”.

2. Làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, ô nhiễm môi trường của sông, suối biên giới.

3. Cư trú, khai thác lâm thổ sản, thăm dò, khai thác khoáng sản, thủy sản trái phép.

4. Vượt biên giới làm ruộng, rẫy, săn bắn, chăn thả gia súc.

5. Chôn cất, chuyển dịch mồ mả, vận chuyển thi thể, hài cốt, động vật, thực vật và xác động vật qua biên giới không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

6. Bắn súng qua biên giới, gây nổ, chặt phá và đốt cây khai hoang trong vành đai biên giới.

7. Quay phim, chụp ảnh, ghi âm, đo, vẽ cảnh vật ở những nơi có biển cấm trong khu vực biên giới đất liền.

8. Các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại.

9. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hiệp định về quy chế biên giới mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với các nước láng giềng.

Câu 8: Chiều dài toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia là bao nhiêu km, đi qua những tỉnh nào của Việt Nam? Chiều dài đường biên giới Việt Nam - Campuchia qua tỉnh Bình Phước là bao nhiêu km và đi qua các những địa phương nào?

Toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia có chiều dài là 1.137km, điểm bắt đầu từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (tỉnh Kon Tum), kết thúc tại điểm tiếp giáp trên bờ biển tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Kăm Pốt (Vương quốc Campuchia). Đi qua 10 tỉnh của Việt Namgồm: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Tổng số 314 vị trí với 371 cột mốc.

Tỉnh Bình Phước có chiều dài đường biên giới 260,433km; có 19 vị trí (từ mốc 61 đến mốc 79) với 28 cột mốc. Đi qua 15 xã của 03 huyện. Bao gồm: 7 xã của huyện Lộc Ninh (Lộc Hòa, Lộc An, Lộc Thạnh, Lộc Thành, Lộc Tấn, Lộc Thiện, Lộc Thịnh); 6 xã của huyện Bù Đốp (Hưng Phước, Phước Thiện, Thanh Hòa, Tân Tiến, Tân Thành và Thiện Hưng) và 02 xã của huyện Bù Gia Mập (Đăk Ơ và Bù Gia Mập).

Câu 9: Công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia tỉnh Bình Phước chính thức khởi động từ khi nào?

Ngày 16/5/2006, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định 797/QĐ-UBND “về việc thành lập Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia tỉnh Bình Phước”. Đây chính là ngày khởi động công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.

Câu 10: Hiện nay công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia ở tỉnh Bình Phước đang tiếp tục triển khai như thế nào?

Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang chuẩn bị tiến hành công tác tăng dày hệ thống cột mốc trên toàn tuyến biên giới của tỉnh.

Bình Phước là tỉnh đầu tiên được Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia chọn làm thí điểm để xây dựng mốc phụ trên tuyến biên giới Bình Phước - Tabong Khmum (Vương quốc Campuchia).

Câu 11: Vì sao tỉnh Bình Phước thực hiện việc cắm mốc phụ?

Do khoảng cách vị trí giữa các mốc chính xa nhau nên phải thực hiện việc cắm mốc phụ.

Câu 12: Biên giới tỉnh Bình Phước có bao nhiêu cửa khẩu? Gồm những cửa khẩu nào và huyện biên giới nào chưa có cửa khẩu?

Bình Phước có 04 cửa khẩu, trong đó, cửa khẩu Hoa Lư (cửa khẩu quốc tế); 02 cửa khẩu quốc gia (cửa khẩu chính) là Hoàng Diệu và Lộc Thịnh (Tà Vát) và 01 cửa khẩu phụ là Tân Tiến (Cầu Trắng).

Trong 03 huyện biên giới còn huyện Bù Gia Mập chưa có cửa khẩu.

Câu 13: Công dân Việt Nam có trách nhiệm, nghĩa vụ gì trong việc bảo vệ đường biên giới quốc gia?

Mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng khu vực biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Nếu phát hiện các hành vi xâm phạm biên giới, phá hoại an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới phải báo cho đồn biên phòng hoặc chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước nơi gần nhất để thông báo kịp thời cho Bộ đội biên phòng xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Câu 14: Trách nhiệm của các địa phương, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ, quản lý cột mốc biên giới?

 Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các huyện biên giới tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn Campuchia để kiểm tra, bảo vệ, giữ gìn cột mốc, đường biên; đảm bảo đường biên giới rõ ràng trong từng vị trí mốc; làm tốt công tác tuyên truyền để Nhân dân khu vực biên giới nhận thức rõ về nhiệm vụ bảo vệ biên giới không để xâm canh, lấn chiếm khu vực cột mốc đường biên giới và khu vực mốc phụ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật số: 06/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Nghị định 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ “về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

3. Nghị định 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2004 về quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia.

4. Các văn bản của Thường trực Ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc tỉnh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây