Hội nghị được truyền hình trực tuyến từ đầu cầu tỉnh đến các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố.
Đại biểu báo cáo tham luận tại điểm cầu tỉnh
Sau 01 năm triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và Chương trình hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, toàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động CĐS của tỉnh ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa sâu rộng ở các cấp, ngành, địa phương; nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 13 quyết định, 26 kế hoạch, 10 công văn; tham mưu Tỉnh ủy ban hành 1 chỉ thị về các nội dung liên quan CĐS, Đề án 06. Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số đã từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cơ bản hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhà nước từ tỉnh đến cơ sở.
Một số lĩnh vực có kết quả nổi bật như: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã kết nối 4 cấp từ trung ương đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình đạt 91,46%, tỉnh Bình Phước có 1.509 dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố).
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp 7.588 hộp thư công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong xử lý công việc đạt trên 90%. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã triển khai cho 145 cơ quan hành chính nhà nước, 149 cơ quan đảng từ cấp tỉnh đến cấp xã, 310 cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh. Chữ ký số đã triển khai tích hợp lên phần mềm Quản lý văn bản, sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử thay cho văn bản giấy (trừ văn bản mật). Cấp 3.094 chứng thư số cho các cá nhân, tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Hạ tầng viễn thông công cộng có kết nối nội mạng tốc độ cao, đã hoàn thành phủ sóng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định, truyền hình số mặt đất. Tỉnh đã triển khai mạng chuyên dùng toàn tỉnh, kết nối 180 cơ quan, đơn vị. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được thiết kế và thuê vận hành với tiêu chuẩn, sử dụng công nghệ ảo hóa, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và đang được nâng cấp, mở rộng để triển khai các ứng dụng đô thị thông minh.
Hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin (SOC) được quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013, triển khai mô hình “4 lớp” an toàn thông tin theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ và kết nối, chia sẻ dữ liệu giám sát an toàn thông tin với Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia.
Trong năm 2022, Chỉ số CĐS tỉnh Bình Phước xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Bộ. Bình Phước cũng đã ban hành Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS cơ quan nhà nước tỉnh Bình Phước, nhằm giúp UBND tỉnh đánh giá được hiện trạng thực hiện CĐS hàng năm tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, để có cơ sở định hướng, đưa ra các giải pháp nâng cao mức độ CĐS của tỉnh.
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 3 IOC cấp huyện (Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long) đã vận hành ổn định và hoạt động có hiệu quả. IOC tỉnh đã đưa Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Bình Phước vào hoạt động, kịp thời tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho các sở, ngành, địa phương đã tập trung tham luận về những kết quả đạt được, cùng những tồn tại, khó khăn trong triển khai Đề án 06 và hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS các cấp trong năm 2022. Qua đó, đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh: Nhìn lại 2 hoạt động quan trọng trên, cho thấy tỉnh Bình Phước đã tích cực trong việc triển khai hoạt động CĐS một cách toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực và đã đạt thứ hạng 9/63 tỉnh, thành phố (do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào tháng 8/2022). Đề án 06 đã có bước đột phá trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến với 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ cho người dân. Trong năm qua, Bình Phước đã triển khai thành công 18/43 nhiệm vụ cơ bản và là một trong 3 tỉnh, thành phố có cách làm hay trong việc cung cấp dịch công trực tuyến được Trung ương ghi nhận.
Với kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhanh chóng vào cuộc một cách trách nhiệm hơn so với năm 2022, chủ động nắm bắt, rà soát lại những công việc năm 2022 chưa hoàn thành và tiến hành triển khai các nhiệm vụ năm 2023 để đạt được chất lượng theo quy định.
Dịp này, 2 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06; 5 tập thể có thành tích trong CĐS năm 2022 đã được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Tác giả: Hải Hòa