Chỉ trong 2 ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có 18 hoạt động quan trọng trên nước bạn. Trong đó có cuộc hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác; hội kiến với 3 lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc… Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm Di tích trụ sở Việt Nam Cách mạng Thanh niên và nhiều hoạt động khác tại tỉnh Quảng Đông. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ra tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đi sâu vào xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt - Trung. Các bộ, ngành và địa phương của hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng…
Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 1-1950. Theo dòng chảy của lịch sử, mối quan hệ này ngày càng khăng khít, bền chặt nhờ sự dày công vun đắp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các vị cách mạng tiền bối của hai nước. Trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân, đế quốc, hai Đảng đã sát cánh, kề vai dành cho nhau sự giúp đỡ to lớn, góp phần vào thành công cho cách mạng mỗi nước. Đây là tài sản quý báu của hai Đảng, hai dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh. Với phương châm “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt”, quan hệ hai nước ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt đã góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, là định hướng chiến lược, nền tảng, lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt - Trung.
Từ năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đã mở ra một chương mới trong quan hệ song phương. Trong đó, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng đã có những bứt tốc ngoạn mục. Nếu thương mại song phương năm 2008 chỉ ở mức 20 tỷ USD thì đến năm 2023, con số này đạt gần 172 tỷ USD. Riêng 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 112,6 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng là một trong những điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Năm 2008, vốn đầu tư từ bạn vào nước ta chỉ đạt 2 tỷ USD, đến năm 2023 có 4.161 dự án từ các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam với số vốn đăng ký hơn 27 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2024, con số này đạt hơn 1,5 tỷ USD.
Nhìn lại chặng đường 74 năm, nhất là trong 16 năm qua, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đã phát triển tích cực theo hướng lành mạnh, ổn định. Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố, đi vào chiều sâu. Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Do đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là một hoạt động quan trọng triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đồng thời là nhân tố tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Sưu tầm: Thành LộcÝ kiến bạn đọc