Trong phiên làm việc sáng nay, các bộ trưởng, trưởng ngành: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Công an đã trả lời chất vấn các nội dung: giải pháp xử lý tội phạm trên không gian mạng; việc phòng chống tội phạm công nghệ cao; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của người hoạt động không chuyên trách cấp xã; chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc vào khu vực công; chính sách sắp xếp cán bộ dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc thực hiện phiên tòa trực tuyến; việc định giá tài sản...
Các đại biểu dự phiên họp tại Hà Nội - Ảnh: Trần Thể
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Bình Phước
Liên quan đến báo cáo xem xét, thông qua việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ thêm các số liệu về việc trình các dự án luật. Cụ thể, năm 2021, trình đưa vào chương trình ban đầu 10 dự án luật, sau đó bổ sung 1 thành 11 dự án luật. Năm 2022, trình 11 dự án luật, bổ sung thêm 13 dự án luật, thành 24 dự án luật. Năm 2023, trình ban đầu 14 dự án luật, bổ sung thêm 12, thành 26 dự án luật. Năm 2024, trình ban đầu 16 dự án luật, nếu được Quốc hội chấp thuận thì tăng lên 34 dự án luật. Phó Thủ tướng cho rằng, với số liệu như vậy cho thấy số lượng thay đổi rất lớn, tuy nhiên các đề xuất, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất sát với kỳ họp.
Ông Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời chất vấn tại phiên họp - Ảnh: Trần Thể
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, có 2 nguyên nhân của tình trạng này, đó là do tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng và khả năng dự đoán, nắm bắt trước tình hình của chúng ta có hạn, khả năng nhận biết còn lúng túng. Do đó, Phó Thủ tướng đề xuất một số giải pháp khắc phục vấn đề này, trước hết là thực hiện chủ động hơn nữa kỷ luật, kỷ cương. Các bộ trưởng phải chủ động trong công tác pháp chế. Đồng thời cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nếu không có thông tin, không có nguồn nhân lực đủ mạnh thì tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, do đó cần có chế độ bồi dưỡng thêm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp - Ảnh: Trần Thể
Phát biểu bế mạc hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Nội dung chất vấn đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả trong thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các báo cáo đã gửi đại biểu Quốc hội và qua phiên chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm; một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải sớm được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.
“Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng bào, cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội; cảm ơn các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành đã chuẩn bị chu đáo, trả lời các đại biểu Quốc hội. Cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tham gia chất vấn với nhiều ý kiến thẳng thắn, thiết thực”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Sưu tầm: Thành LộcÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn