Chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ tư - 21/08/2024 14:49
BPO - Tại phiên họp thứ 36, sáng 21-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành thuộc Chính phủ. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tại điểm cầu Bình Phước, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu Vũ Ngọc Long dự chủ trì. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi, lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan cùng dự.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia chất vấn tại điểm cầu Bình Phước

Phiên chất vấn nhằm xem xét việc thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Việc chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề mà chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành liên quan về những nội dung trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Diễn ra trong 1,5 ngày, phiên họp tiến hành chất vấn 2 nhóm lĩnh vực, thứ nhất là việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; tài nguyên và môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch. Nhóm lĩnh vực thứ hai là việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại phiên họp

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh: Việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần ổn định xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của nông sản chủ lực ở nước ta chưa thực sự hiệu quả. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng: “Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của hạt điều đạt 3,6 tỷ USD. Đối với sầu riêng, gần đây giá sầu riêng liên tục lập đỉnh và diện tích cũng liên tục tăng. Mặc dù, sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng, tuy nhiên giữa sầu riêng có mã vùng trồng và sầu riêng chưa có mã vùng trồng chưa có sự khác biệt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và sự phát triển ổn định, bền vững. Vậy giải pháp của bộ trưởng và các bộ, ngành trong thời gian tới là gì để ngành điều, sầu riêng phát triển bền vững, đảm bảo giá trị thương hiệu, đồng thời bảo vệ quyền lợi và cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đảm bảo vùng nguyên liệu?”.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Bình Phước

Trả lời nội dung chất vấn của đoàn Bình Phước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản không có cách nào khác là việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và rất cần sự chung tay của các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, các chủ vựa và nông dân trong xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành hàng sầu riêng nói riêng. Hiện sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc và muốn đưa mặt hàng này thành sản phẩm quốc gia phục vụ cho xuất khẩu thì phải có chính sách chung cho nông dân, cho doanh nghiệp và cả khoa học công nghệ. Do đó, cần sự chung tay từ nhiều phía.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, các bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với các nội dung: Giải pháp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, công tác phòng chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc cung cấp điện, giá điện; chính sách tiêu thụ nông sản, việc xuất khẩu nông sản; công tác đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; việc bảo tồn các di sản văn hóa, giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng…

                                                                                             SƯU TẦM: Thành Lộc
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây