Với mục đích nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và nhiệm vụ trọng tâm là “xây dựng, thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khoẻ Nhân dân”. Ngay sau khi Ban Bí thư (khóa X) ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 và căn cứ Kế hoạch số 54-KH/TU, ngày 20/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Huyện ủy Bù Đốp đã ban hành Kế hoạch số 42-KH/HU, ngày 09/11/2008 để nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW (khóa X) của Ban Bí thư và các Nghị quyết được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) thông qua tại Hội nghị lần thứ 7; đồng thời, chỉ đạo UBND huyện, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong từng năm.
Qua 15 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; công tác tổ chức Hội Đông y các cấp được củng cố kiện toàn, hệ thống khám, chữa bệnh và điều trị bằng y học, dược học cổ truyền được quan tâm xây dựng ở cả tuyến huyện và cơ sở; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền được tăng cường đầu tư đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống tổ chức Đông y trong huyện. Từ đó, nhận thức về vị trí, vai trò của nền Đông y trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng cao; việc khám, chữa bệnh bằng Đông y được chú trọng, số lượng cán bộ ngành đông y ngày càng tăng, trình độ chuyên môn được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về Đông y được tăng cường, góp phần thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Đại hội Hội Đông y xã Thiện Hưng
Thực trạng tổ chức và hoạt động của nền Đông y huyện hiện nay: Trên lĩnh vực công lập hiện có 01 Chi hội tại Trung tâm Y tế huyện với 02 bác sỹ đông y và 01 y sỹ đông y hoạt động; 02 phòng khám Đông y tại các trạm y tế xã; có các y sỹ đông y kết hợp cùng Lương y hoạt động. Hoạt động ngoài công lập có 02 phòng khám chữa bệnh tập thể tại các xã; 04 phòng chẩn trị tư nhân có giấy phép hành nghề; có 39 Hội viên khám chữa bệnh tại nhà; ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị (máy châm cứu, đèn cực tím soi châm, máy đo huyết áp, máy kéo dãn đốt sống cổ, giường mát xa, máy nghiền thuốc bột, máy hoàn viên...).
Hệ thống Hội Đông y các cấp trong huyện có 98 hội viên hoạt động tại 07/07 Hội Đông y cấp xã, thị trấn và 01 chi Hội tại Trung tâm Y tế huyện (Bác sỹ Đông y 03 người; Bác sỹ đa khoa 02 người; Y sỹ Đông y 16 người; Lương y có giấy phép hoạt động chuyên nghiệp 02 người; Lương y hoạt động không chuyên 39 người; Lương dược 02 người, Dược sỹ 02 người, Cao đẳng dược 01 người); đã khám, chữa bệnh cho 518.839 lượt người; ngoài ra, hoạt động từ thiện nhân đạo cũng được tổ chức Hội hưởng ứng thực hiện, qua các phong trao từ thiện, hoạt động khám và bốc thuốc miền phí cho người khó khăn, Hội Đông y các cấp đã góp phần thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của huyện với tổng trị giá quy thành tiền trên 298 triệu đồng.
Hoạt động từ thiện của Hội Đông y trên địa bàn xã Tân Thành
Từ việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và phát triển nguôn nhân lực đối với nền Đông y, nhất là công tác quản lý Nhà nước về đông y, đông dược được tăng cường, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh đông y trên địa bàn thực hiện chặt chẽ đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý, đưa vào nề nếp hoạt động của các cơ sở đông y theo quy định; nhờ đó, trên địa bàn huyện chưa xảy ra các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến hoạt động Đông y.
Trong thời gian tới, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và môi trường; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trải qua đại dịch COVID-19 đã và đang có tác động đến sức khỏe Nhân dân. Y học nói chung và Đông y sẽ từng bước khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là hỗ trợ tự chăm sóc tại cộng đồng và y tế cơ sở. Để chủ động ứng phó với các bệnh dịch mới (có thể phát sinh), bệnh nan y gia tăng, nhu cầu về tự chăm sóc và chữa bệnh tại cộng đồng sẽ ngày một nhiều… nên Đông y sẽ là một trong những lựa chọn ưu tiên. Thực tế đó càng đặt ra yêu cầu cần có chỉ đạo và chính sách phù hợp trong tình hình mới để Đông y Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, góp phần quan trọng vào chăm sóc sức khỏe Nhân dân và tăng trưởng kinh tế. Đảng bộ huyện Bù Đốp tiếp tục xác định “Phát huy những kết quả đã đạt được, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Y tế và Hội Đông y đối với bệnh nhân. Tuyên truyền, vận động Nhân dân để Nhân dân hiểu và khám, chữa bệnh bằng các phương pháp Đông y. Phấn đấu nâng tỷ lệ khám và chữa bệnh bằng Đông y năm sau cao hơn năm trước. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nếu xảy ra trên địa bàn huyện”.
Trung Hiếu – VPHU