Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự nghiệp xây dựng văn hóa dân tộc

Thứ năm - 25/07/2024 14:43 52 0
BPO - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà chính trị lỗi lạc, nhà lãnh đạo mẫu mực và đồng thời cũng là nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, trong cuộc đời cách mạng của mình, Tổng Bí thư luôn quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc. Trong kho tàng lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, những chỉ dẫn về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng hiện nay và những giai đoạn tiếp theo.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”. Trước đó, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng. Theo Tổng Bí thư, nhắc đến văn hóa thì có nghĩa rộng và có nghĩa hẹp nhưng tựu trung lại, khi nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đánh cồng với đồng bào dân tộc Mường trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư xóm Cầu, xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình (ngày 13-11-2011) - Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trước lúc đi về cõi người hiền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Những lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng văn hóa là sự nối tiếp mang tính sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. 92 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư… được tập hợp trong cuốn sách đã cung cấp một hệ thống lý luận toàn diện, sâu sắc về xây dựng văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. Xây dựng và phát triển văn hóa được xác định là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Văn hóa không đứng độc lập, tách rời mà có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với chính trị, kinh tế, ngoại giao… Nhiều chỉ dẫn quan trọng về xây dựng văn hóa con người; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành sợi chỉ đỏ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng.

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” gồm 928 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam

Về xây dựng văn hóa con người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn, đó là việc giáo dục, rèn luyện để hình thành những con người Việt Nam với đầy đủ phẩm chất yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Đồng thời với đội ngũ văn nghệ sĩ - những người trực tiếp sáng tạo ra các sản phẩm tinh thần phục vụ xã hội - Tổng Bí thư cũng luôn đề cao việc tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Đi liền với đó là việc xây dựng những quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ. Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng văn hóa gắn liền với việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; xây dựng Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, xây dựng văn hóa đi đôi với việc không ngừng rèn luyện, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về một người yêu văn hóa, coi trọng văn hóa và luôn cố gắng hết mình để xây dựng các giá trị văn hóa tốt đẹp. Đặc biệt, những phẩm chất liêm, chính, chí công vô tư, yêu nước, thương dân… của Tổng Bí thư đã trở thành hình mẫu sáng ngời về người cộng sản kiên trung, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý. Trong sự nghiệp chính trị của mình, Tổng Bí thư đã khéo léo sử dụng các chất liệu thơ văn của dân tộc để truyền tải những thông điệp chính trị sâu sắc. Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy chiều sâu văn hóa trong con người Tổng Bí thư. Nhiều câu nói, câu trích dẫn chứa đựng tinh thần, ý chí, quyết tâm, khát vọng, niềm tự hào dân tộc được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng đã trở thành nguồn động lực cho thế hệ trẻ cũng như răn đe, cảnh tỉnh cán bộ. Đó là lời căn dặn: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương/Nếu là chim hãy là chim câu trắng/Nếu là đá hãy là đá kim cương/Nếu là người hãy là người cộng sản!”. Đó là lời nhắc nhở: “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần!”. Đó là lời cảnh báo: “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”…

Khắc ghi những lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Việt Nam nguyện tiếp bước ông cha viết tiếp truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc, thực hiện cho bằng được lời chỉ dạy: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”!

Sưu tầm: Thành Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay9,546
  • Tháng hiện tại149,964
  • Tổng lượt truy cập17,373,852
Niên giám thống kê
Thông tin quy hoạch
Thủ tục hành chính
Đề tài khoa học
Công báo Bình Phước
Công báo chính phủ
Chính phủ
Bảo vệ biển đảo
Xây dựng nông thôn mới
Người LĐ và Doanh nghiệp
Đạo đức HCM
Hướng tới bầu cử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây