Phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số

Thứ năm - 25/07/2024 14:44 10 0
BPO - Thời gian qua, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ. Hạ tầng viễn thông phát triển đã tạo điều kiện để người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông, thông tin, giải trí thuận lợi, đồng thời phục vụ hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng viễn thông đi trước

Điểm chốt dân quân thường trực biên giới Phước Thiện, huyện Bù Đốp đang làm nhiệm vụ phối hợp với các đồn, trạm biên phòng và các khu dân cư để bảo vệ biên giới. Trước đây, tại khu vực này sóng điện thoại rất chập chờn, thường xuyên xảy ra tình trạng sóng yếu, thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với mục tiêu phủ sóng 100% diện tích của tỉnh, các nhà mạng đã xây dựng 38 trạm BTS dọc tuyến đường tuần tra biên giới, phục vụ nhu cầu sóng viễn thông di động và internet băng thông rộng.

Ông Trịnh Xuân Hồng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp chia sẻ: “Sóng điện thoại và mạng 4G mạnh đã giúp đảm bảo thông tin liên lạc từ chốt về xã, huyện được thông suốt. Trao đổi công việc đột xuất giữa cấp trên, cấp dưới, giữa chốt với các lực lượng được thuận tiện, nhanh chóng. Cùng với đó, lực lượng dân quân tự vệ tại chốt cập nhật thông tin thời sự kịp thời, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp. Đây là nguồn động viên lớn để chốt dân quân hoàn thành tốt nhiệm vụ trên tuyến biên giới”.

Viettel Bình Phước đã dành nguồn lực lớn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh

Sóng điện thoại phủ đến tận nơi, cùng với mạng internet 4G tốc độ cao đang làm thay đổi rất lớn cuộc sống người dân khu vực biên giới. Ông Đào Văn Đạt ở ấp Tân Lập, xã Phước Thiện cho biết: Trước đây, muốn gọi điện thoại hỏi thăm người thân hoặc tình hình học tập của các con đều không thể hoặc phải di chuyển hàng chục kilômét mới có sóng di động. Năm 2022, cột BTS được xây dựng gần nhà nên sóng di động và internet rất mạnh. Không chỉ thuận tiện liên lạc, xem tin tức, tiếp cận thông tin thời sự hằng ngày mà còn giúp gia đình tôi học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế.

Trong mục tiêu phủ sóng thông tin di động dọc tuyến đường tuần tra biên giới, Bình Phước đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các trạm thu, phát sóng điện thoại di động BTS, cụm cáp quang trên toàn bộ diện tích. Việc đầu tư xây dựng các trạm phát sóng di động BTS cùng với hệ thống cáp quang phủ rộng, mạng di động 3G/4G phủ sóng 100% thôn, ấp không chỉ giúp đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh mà còn phục vụ cho nhiệm vụ công ích hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc VNPT chi nhánh huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, VNPT Bình Phước cho biết: Với hơn 30 trạm BTS phát sóng, mạng cáp quang của VNPT đã phủ đến 6/6 xã, thị trấn của huyện Bù Đốp. Đặc biệt, cáp quang đến từng cụm dân cư biên giới, phục vụ tốt yêu cầu chuyển đổi số của huyện.

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông có vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông đồng bộ. Toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động. Trong đó có 4 doanh nghiệp viễn thông, 3 doanh nghiệp truyền hình cáp. Các doanh nghiệp này luôn chú trọng đầu tư chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.

Với nguồn lực và thế mạnh công nghệ, VNPT Bình Phước đang tích cực đầu tư, nâng cấp và mở rộng hạ tầng thông tin, viễn thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đồng thời, ưu tiên triển khai các công nghệ mới như 5G, IoT, AI, Big Data để tạo đột phá và sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng và an ninh, phục vụ tốt việc điều hành, trao đổi thông tin của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Sóng điện thoại phủ đến tận nơi, cùng với mạng internet 4G tốc độ cao đang làm thay đổi rất lớn cuộc sống người dân khu vực biên giới

Ông Nguyễn Trường Tùng, Giám đốc VNPT Bình Phước chia sẻ: “VNPT đã triển khai sóng di động 100% tới các khu dân cư với hơn 650 trạm 3G/4G. Kế hoạch cuối năm 2024 và đầu năm 2025, VNPT sẽ đầu tư bổ sung thêm 750 trạm BTS, nâng cấp hệ thống vô tuyến và các trạm 5G tại các khu dân cư, khu thương mại, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu ngày càng cao trong sử dụng băng thông di động. Bên cạnh đó, VNPT tập trung đầu tư băng rộng cố định, xây dựng 12.000km cáp quang đến 100% khu dân cư. Thời gian qua, nhu cầu sử dụng băng thông của Bình Phước tăng trưởng rất lớn, chúng tôi đang liên tục đầu tư để phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh”.

Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Bình Phước là nhà cung cấp dịch vụ có hạ tầng viễn thông hàng đầu trên địa bàn tỉnh. Viettel đã dành nguồn lực lớn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng số, xây dựng trung tâm điều hành thông minh, cải thiện hệ thống viễn thông... đáp ứng nhiệm vụ xây dựng chính quyền số từ xã đến tỉnh.

Sóng điện thoại và mạng 4G mạnh đã giúp đảm bảo thông tin liên lạc từ chốt dân quân thường trực biên giới về xã, huyện được thông suốt

“Với gần 900 trạm BTS, phủ sóng 96% diện tích toàn tỉnh, riêng khu vực biên giới, Viettel đã đầu tư mỗi đồn biên phòng 1 trạm BTS, dọc đường biên giới đầu tư 32 trạm BTS. Viettel cũng đồng hành với UBND tỉnh trong công tác xây dựng các nền tảng dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sắp tới, Viettel Bình Phước sẽ đầu tư khoảng 200 vị trí để phủ những vùng “lõm sóng” còn lại” - ông Phan Văn Thương, Trưởng phòng Hạ tầng Viettel Bình Phước cho biết.

Với sự thúc đẩy quyết liệt của tỉnh, hạ tầng viễn thông di động ở Bình Phước đang có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Ðến nay, 100% thôn, ấp có hạ tầng băng rộng cố định, mạng di động 3G/4G. Hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 88%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đạt 102%. 38 trạm BTS phủ sóng trên tuyến biên giới, phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc và công tác quốc phòng, an ninh.

 

Xác định hạ tầng viễn thông là thành phần cơ bản nhất của hạ tầng số, việc quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng là mục tiêu mà các doanh nghiệp viễn thông, nhà mạng đang hướng đến. Với nhu cầu số hóa của các ngành, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng lớn, việc hiện đại hóa hạ tầng viễn thông sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, giúp tỉnh chinh phục những thử thách trong chặng đường xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Sưu tầm: Thành Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục
Niên giám thống kê
Thông tin quy hoạch
Thủ tục hành chính
Đề tài khoa học
Công báo Bình Phước
Công báo chính phủ
Chính phủ
Bảo vệ biển đảo
Xây dựng nông thôn mới
Người LĐ và Doanh nghiệp
Đạo đức HCM
Hướng tới bầu cử
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay14,082
  • Tháng hiện tại146,062
  • Tổng lượt truy cập16,193,393
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây