Bù Đốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 17%, ngoài dân tộc đồng bào bản địa Stiêng, Khơ-me thì còn rất nhiều các dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền Bắc vào làm ăn sinh sống như: đồng bào Tày, Nùng… Những năm qua với các chính sách chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bù Đốp đã lãnh đạo chỉ đạo các cấp, các ngành ưu tiên hỗ trợ bà con vùng đồng bào phát triển cả về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đến với xã Tân Tiến một trong những xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc sinh sống đông, nơi đây không sản sinh ra nghệ thuật đàn tính, hát then, nhưng hơn 20 năm qua, đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào xây dựng kinh tế mới ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp đã gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo dân tộc tôn giáo
trao hỗ trợ đàn tính cho CLB đàn tính hát then ấp Sóc Nê
Theo các thành viên CLB đàn tính hát then thì vào khoảng năm 1991, nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng đã vào Bình Phước lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Thời gian đầu, đồng bào chủ yếu canh tác lúa nước, hoa màu, thu nhập còn hạn chế. Sau đó, với tính cần cù, ham học hỏi, nhiều hộ dân ấp Sóc Nê đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu ở vùng đất mới. Giờ đây, mảnh đất hoang đã trở thành rẫy điều, tiêu, cao su bạt ngàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, người dân ấp Sóc Nê còn quan tâm bảo tồn, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then. Sau những giờ lao động ở rẫy trồng tiêu, trồng điều, người dân trong ấp lại tụ họp, cùng đàn, hát.
Ông Vương Văn Thè, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính, hát then ấp Sóc Nê cho biết: "Để giữ gìn và lưu truyền những giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ chúng tôi thành lập CLB đàn tính hát then với mục đích không để đàn tính hát then bị mai một. Chúng tôi luôn định hướng và vận động con cháu mình cùng tham gia CLB".
Cũng theo ông Vương Văn Thè khi mới từ quê vào Bình Phước xây dựng kinh tế mới, nhiều gia đình gặp khó khăn. Nhưng sau đó, nhờ trồng cây điều, cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của người dân đã ổn định hơn. Trong các dịp lễ, Tết bà con cùng quê càng gắn bó với nhau hơn nhờ có Câu lạc bộ đàn tính, hát then. Khi mới thành lập, vào năm 2005, Câu lạc bộ đàn tính, hát then âp Sóc Nê được thành lập với 6 thành viên, đến nay đã thu hút thêm nhiều thành viên tham gia. Các thành viên trong Câu lạc bộ đã được đi giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Đến tháng 10 năm 2021 xã đã thành lập thêm 01 CLB đàn tính hát then cho thế hệ trẻ với 15 thanh niên tham gia.
Việc thành lập Câu lạc bộ tập hợp các cháu nhỏ để truyền dạy nghệ thuật hát then, đàn tính. Mỗi khi có dịp đi biểu diễn giao lưu, các thành viên trong Câu lạc bộ đều vận động các cháu tham gia đi học hỏi.
CLB đàn tính hát then biểu diễn tiết mục Bình Phước quê tôi
Ngoài những làn điệu truyền thống, hiện nay Câu lạc bộ đàn tính, hát then còn biểu diễn khá nhiều bài hát về quê hương Bình Phước bên cạnh những bài hát cũ truyền thống của dân tộc. Những tiếng đàn, lời hát đã giúp họ xích lại gần nhau hơn. Chính quyền địa phương rất quan tâm đến Câu lạc bộ đàn tính, hát then và luôn động viên người dân gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Theo lãnh đạo xã Tân Tiến cho biết: "Phong trào đàn tính, hát then của đồng bào Tày, Nùng tại ấp Sóc Nê đang ngày một phát triển. Câu lạc bộ đã mang lời ca tiếng đàn đến mọi người sau những ngày làm việc vất vả. Trong thời gian tới, Câu lạc bộ sẽ mở rộng các thành viên tham gia".
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng BCĐ dân tộc tôn giáo huyện Mai Xuân Tuân cho biết: "Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số từ các vùng miền phía Bắc, vì vậy trong những năm qua Huyện ủy, UBND huyện đã luôn quan tâm đến các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh hoạt văn hóa truyền thống với nhau bằng việc làm cụ thể như trao tặng cồng chiêng cho bà con Stiêng ở Thiện Cư, trao đàn tính cho CLB đàn tính hát then… có thể nói đây là những nét đẹp truyền thống, nét đẹp riêng của Bù Đốp. Tới đây Ban chỉ đạo dân tộc tôn giáo của huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành của tỉnh có những phần việc cụ thể để các CLB văn hóa trên địa bàn huyện sinh hoạt có nội dung phong phú, quy tụ nhiều thành viên tham gia, qua đó cổ vũ cho phong trào VHVN của huyện nhà ngày càng phát triển".
Tiếng đàn tính, điệu hát then đã được gìn giữ và phát huy trên vùng biên giới mới Bù Đốp sẽ là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ hướng về quê hương theo bạn Nông Thị Hoài, một trong những thành viên của CLB đàn tính hát then cho hay: "Chúng em là người trẻ tuổi có trách nhiện phải giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình, vì vậy sẽ luôn động viên các bạn trẻ tích cực tham gia hoạt động của CLB nhằm gắn kết các thành viên cũng như chia sẽ kinh nghiệm trong cuộc sống".
Lễ ra mắt CLB đàn tính, hát then của Hội liên hiệp thanh niên huyện
Với sự quan tâm của lãnh đạo huyện và các cấp các ngành việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa sẽ tạo được sự lan tỏa để lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và đàn tính – hát then sẽ không bao giờ bị mai một.