Báo chí Bình Phước trước ngày tái lập tỉnh

Thứ ba - 09/07/2024 09:55 10 0
Bài 1:
NHỮNG DẤU ẤN ĐÁNG NHỚ

BPO - Tháng 10-1980, tôi cùng đơn vị là Trung đoàn 270 trực thuộc Binh đoàn 23 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia thoát họa diệt chủng và được lệnh hành quân về nước. Cuối năm ấy, tất cả cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 270 có mặt đầy đủ tại huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé (cũ). Trung đoàn 270 là đội quân nòng cốt của Công ty cao su Phú Riềng thực hiện đại dự án trồng cao su trên đất Sông Bé.

Sau 5 năm kể từ ngày tỉnh Phước Long (cũ) được giải phóng (1975-1980), khi chúng tôi về đây, vùng đất này vẫn chưa có nhiều thay đổi. Vùng trung tâm thị xã Phước Long và Sân bay Phước Bình tan hoang do cuộc chiến hồi tháng 1-1975 vẫn còn đó. Bộ Tư lệnh Binh đoàn 23 phải ở trong những dãy nhà gia binh còn sót lại của chế độ cũ. Trung đoàn 270 đóng quân ở thôn Suối Đâm, xã Bù Nho, huyện Phước Long (cũ), các tiểu đoàn trực thuộc đóng ở hầu hết các xã trong huyện. Những năm sau giải phóng, ai có dịp về Phước Long đều cảm thấy “nản lòng”. Chợ thưa bóng người, hàng hóa không có gì ngoài một số nông sản của người dân đem bán. Cá, thịt và các loại thực phẩm khác chủ yếu đưa từ thị xã Thủ Dầu Một lên bằng xe đò. Đường sá đi lại vô cùng gian nan. Từ Phước Long về thị xã Thủ Dầu Một mất hơn 10 tiếng đồng hồ. Xe đò loại 45 chỗ ngồi chỉ duy nhất có 1 chuyến; còn lại là vài chiếc xe nhỏ, người ta gọi là “xe than” chạy ì ạch.

Tháp ăng-ten Trung tâm Phát sóng PT-TH Bà Rá ngày mới hoàn thành - Ảnh tư liệu

Những năm 1980-1990, báo chí và hoạt động về báo chí ở các huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước, gồm: huyện Phước Long, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bình Long và sau có thêm Bù Đăng) gần như chưa có gì. Tôi còn nhớ, năm 1981, nhiều lần đi từ Bù Nho lên binh đoàn họp chỉ thấy duy nhất Bộ Chỉ huy Binh đoàn 23 có 1 cái tivi đen trắng. Binh đoàn dùng cây lồ ô gắn ăng-ten dựng lên cao để bắt sóng các đài. Báo giấy thì chỉ cán bộ cấp cao trong quân đội và cán bộ huyện mới có 2 loại là Báo Nhân Dân và Báo Quân đội Nhân dân để đọc, nhưng cũng thất thường vì việc vận chuyển từ thị xã Thủ Dầu Một lên phải mất cả ngày. Từ thực tế khó khăn đó, chính quyền các huyện đã phát triển hệ thống loa phát thanh tiếp âm từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Loại hình báo chí này đã trở nên khá quen thuộc với người dân, nhất là vào các giờ chương trình thời sự hằng ngày (6 giờ, 11 giờ và 18 giờ). Đây cũng là loại hình báo chí phát triển duy nhất lúc bấy giờ ở Bình Phước. Các cụm loa được dựng lên trên các cây cột bằng lồ ô khá cao, hằng ngày truyền tin tức từ Đài Tiếng nói Việt Nam đến người dân trong vùng.

Ngày 20-11-1991, đánh dấu một sự kiện đặc biệt mà mọi người dân các huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé đều rất mong chờ. Đó là việc khởi công xây dựng công trình thủy điện Thác Mơ trên dòng sông Bé. Đây là một trong những công trình lớn cấp Nhà nước nằm trên địa bàn huyện Phước Long. Để có được ngày khởi công long trọng này, ngay từ những năm 1989-1990, các đơn vị xây dựng đã rất nỗ lực để cải tạo và hoàn thành con đường nhựa từ Phú Giáo về Phước Long. Đặc biệt là các trạm điện lưới quốc gia đã được xây dựng để đưa điện về các huyện: Đồng Phú, Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng… Có điện, kinh tế - xã hội của các địa phương bắt đầu có chiều hướng phát triển tích cực. Đời sống người dân thay đổi từng ngày, từng giờ. Cùng với các công trình, đường sá do Nhà nước đầu tư thì người dân cũng bắt đầu xây dựng nhà cửa kiên cố. Diện mạo các đô thị, nhất là trung tâm huyện Phước Long (thị trấn Thác Mơ) từng bước đổi mới và “thay da, đổi thịt” hằng ngày.

Thời gian đó, báo chí ở khu vực này bắt đầu phát triển. Tờ báo in Sông Bé được chuyển về Phước Long nhanh hơn nhờ đường sá đi lại tốt hơn, tin tức đến với người dân kịp thời hơn. Đặc biệt, ngày 18-12-1991, người dân nơi đây đón chào một sự kiện trọng đại không kém ngày có điện lưới quốc gia, đó là Trung tâm Phát sóng phát thanh - truyền hình (PT-TH) Bà Rá chính thức đưa vào hoạt động. Để có được sự kiện này, ngay sau ngày khởi công xây dựng (tháng 1-1990), hàng chục cán bộ, nhân viên của Đài PT-TH Sông Bé đã phải làm việc vô cùng gian nan, vất vả trong thời gian dài. Họ phải cõng, thồ các loại vật liệu từ đồi Bằng Lăng, leo qua 1.767 bậc đá, có nơi dốc 45 độ để lên đỉnh núi xây dựng trung tâm phát sóng. Một trong những người có nhiều năm gắn bó và đã từng “đổ mồ hôi, rơi cả máu” với Trung tâm Phát sóng PT-TH Bà Rá chính là nhà báo Phan Văn Thảo. Hiện anh là Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Đài PT-TH và Báo Bình Phước.

Có điện lưới quốc gia, lại có Trung tâm Phát sóng PT-TH Bà Rá, người dân đã mua sắm tivi, các thiết bị điện tử…, nhờ đó, đời sống tinh thần được nâng lên rõ rệt. Ở những nơi được coi là vùng sâu, vùng xa như các xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ, Đắk Nhau…, sóng PT-TH cũng đã dần vươn tới, đáp ứng kịp thời công tác thông tin, tuyên truyền. Cùng với sự phát triển của báo chí thì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ngày càng được đẩy mạnh, trong đó tiêu biểu và nổi bật nhất là Giải việt dã chinh phục đỉnh cao Bà Rá. Năm 1993, lần đầu tiên giải được tổ chức với tên gọi “Việt dã leo núi Bà Rá”. Sau ngày tái lập, tỉnh Bình Phước tiếp tục duy trì và tổ chức, giải được nâng lên thành Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá”.

                                                                                                                                                           Sưu tầm: Thành Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục
Niên giám thống kê
Thông tin quy hoạch
Thủ tục hành chính
Đề tài khoa học
Công báo Bình Phước
Công báo chính phủ
Chính phủ
Bảo vệ biển đảo
Xây dựng nông thôn mới
Người LĐ và Doanh nghiệp
Đạo đức HCM
Hướng tới bầu cử
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập146
  • Hôm nay1,656
  • Tháng hiện tại58,099
  • Tổng lượt truy cập16,105,430
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây