Chúng tôi theo chân đoàn công tác đến khảo sát con suối chạy dọc qua vườn nhà bà Nguyễn Thị Thành Huế ở tổ 7, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh. Gia đình bà Huế có 2,5 ha đất sát bên suối, nhưng sản xuất không hiệu quả. Theo bà Huế, do ở gần suối nên hằng năm vào mùa mưa bão, khi nước suối tràn về, dâng cao là khu vực vườn nhà bà và nhiều hộ dân lân cận bị ngập sâu. Bà Huế cho biết: “Vườn nhà tôi bị ngập úng rất nặng, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Trồng hồ tiêu bị chết, chuyển sang trồng cao su cũng bị nấm bệnh rồi chết. Hiện trồng điều thì khi mưa lớn dẫn đến ngập úng, cây bị đổ gây thiệt hại về kinh tế. Mong muốn của người dân tổ 7, tổ 9 cũng như hơn 100 hộ dân ở ấp Đồi Đá là cấp trên có biện pháp hỗ trợ giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất mình đang ở”.
Đoàn kiểm tra tại khu vực cầu Bến Tre, suối Cần Lê - điểm thường bị ngập lụt gây ảnh hưởng tới sản xuất của các hộ dân trong vùng
Xã Lộc Khánh địa hình thấp trũng, nhiều khe suối bao bọc, địa bàn có nhiều cầu cống nhỏ nên vào mùa mưa bão, trong số 6 ấp của xã có 3 ấp gồm Cần Lê, Quyết Thành và Đồi Đá thường xuyên bị ngập lụt. Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Văn Lượng cho biết: Nguyên nhân là do suối bị ách tắc dòng chảy; mương thoát nước trước đây được đầu tư nhưng chưa bố trí hợp lý và các cống chưa đảm bảo. Trước mùa mưa bão năm nay, UBND xã đã chỉ đạo các ấp đẩy mạnh tuyên truyền người dân, tập trung huy động lực lượng tại chỗ tổ chức khơi thông cống rãnh, mương thoát nước, đồng thời diễn tập các phương án để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Những ngày này lãnh đạo UBND huyện Lộc Ninh tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế các điểm xung yếu ở tất cả xã, thị trấn trên địa bàn để nắm bắt, dự báo tình hình và có biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai, thực hiện nghiêm công tác chỉ đạo của cấp trên theo phương châm “3 sẵn sàng”, “4 tại chỗ”.
Năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 6 đợt thiên tai làm 63 căn nhà bị tốc mái, sập đổ; gãy đổ 5 ha cây trồng của 52 hộ dân; rụng hơn 7 tấn sầu riêng; gãy đổ trụ điện hạ thế… tổng thiệt hại khoảng 6,2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, tiếp tục xuất hiện mưa dông, sấm sét kèm gió lốc làm 2 căn nhà tốc mái hơn 70% tại các xã Lộc Hiệp, Lộc Hưng; 250kg sầu riêng của người dân thị trấn Lộc Ninh sắp đến vụ thu hoạch bị gãy rụng. |
“Huyện Lộc Ninh đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã để đảm bảo lực lượng ứng phó khi thiên tai xảy ra. Chúng tôi chỉ đạo tập trung tuyên truyền để người dân chủ động hơn trong phòng, chống lụt bão, hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như hoa màu của người dân. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã cũng đã triệu tập các lực lượng ứng phó, có phương án xử lý, kịch bản cụ thể cho các tình huống. Về trang thiết bị, chúng tôi đã rà soát lại và hằng năm cấp phát đầy đủ để ứng phó kịp thời, chủ động trong mùa mưa lũ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Thị Ánh Tuyết cho biết.
Mùa mưa bão năm 2024 dự báo nhiều diễn biến phức tạp. Với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của chính quyền địa phương, người dân, công tác phòng, chống mưa bão của huyện Lộc Ninh sẽ phát huy hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Sưu tầm: Thành Lộc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn