Làm nông nghiệp lâu năm nên bà Trịnh Thị Bảy ở thôn 3, xã Đăng Hà hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc chọn giống để mang lại năng suất cao. Vì vậy, 2 năm trở lại đây, gia đình bà chọn trồng giống bắp biến đổi gen DK6919s. Đây là giống có khả năng kháng hiệu quả các loại sâu hại bắp thuộc bộ cánh vảy như: sâu keo mùa thu, sâu đục thân, sâu đục trái, sâu khoang. Thêm vào đó, giống có khả năng chịu được các loại thuốc trừ cỏ gốc glyphosate, vì thế có thể phun trùm lên cây bắp non, tiết kiệm công và chi phí làm cỏ. Hạt giống được xử lý bằng công nghệ Acceleron giúp kiểm soát hiệu quả sâu xám, giúp mầm khỏe, sinh trưởng và phát triển tốt ngay từ giai đoạn cây con.
Bà Bảy cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng điều và lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu, thấy hiệu quả kinh tế từ cây bắp nên gia đình đã chuyển đổi qua trồng bắp, sau một thời gian thì chọn bắp biến đổi gen DK6919s để canh tác. Trồng bắp biến đổi gen tương đối nhàn, chỉ cần xịt 1 lần thuốc diệt cỏ và bón phân là chờ đến ngày thu hoạch”.
Cũng theo bà Bảy, trồng bắp biến đổi gen DK6919s có thể giảm được gần 2 triệu đồng/ha phun thuốc cỏ nên lợi nhuận tăng thêm vài chục triệu đồng/ha. Chi phí đầu tư trồng giống bắp biến đổi gen DK6919s tăng không đáng kể so với trồng bắp thông thường, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Đặc biệt, khi chuyển đổi trồng bắp trên đất lúa thường bị cỏ dại và lúa còn lại từ vụ trước mọc chen với bắp, nông dân mất rất nhiều công xử lý cỏ và lúa, nhưng nếu trồng giống bắp biến đổi gen DK6919s, chỉ cần xịt 1 lần thuốc trừ cỏ cho cả vụ. Giống bắp sinh trưởng ngắn ngày, có thể trồng trên đất ruộng khô hạn vẫn cho năng suất cao.
Với 1,5 ha bắp biến đổi gen, sau 3 tháng trồng, gia đình bà Bảy thu được 18 tấn bắp khô; giá bán 8.000 đồng/kg, thu về hơn 140 triệu đồng mỗi vụ. Bà Bảy cho biết, 1 năm gia đình bà trồng 3 vụ bắp, trong khi chi phí giống, công chăm sóc không nhiều. Do vậy, lợi nhuận từ trồng bắp biến đổi gen cao hơn so với giống bắp thông thường và các loại cây hoa màu khác.
Bà Trịnh Thị Bảy giới thiệu về vườn bắp biến đổi gen của gia đình
Theo bà Hồ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà, người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nông, trong đó rất nhiều nông hộ đã chuyển đổi diện tích đất không phù hợp qua trồng bắp hoặc trồng 1 vụ lúa, 2 vụ bắp. Hiệu quả kinh tế từ cây bắp cao hơn cây lúa rất nhiều. Tuy nhiên, giống bắp biến đổi gen thì hiện nay mới chỉ có một số hộ dân trồng. Nếu hiệu quả đem lại cao và được các công ty cấp giống bao tiêu sản phẩm thì bà con có thể trồng bắp biến đổi gen để tăng thu nhập.
Đăng Hà là xã vùng sâu, vùng xa, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và các loại cây ngắn ngày. Do vậy, việc lựa chọn giống bắp biến đổi gen trồng thay thế các giống bắp cũ và lúa nước khi nắng hạn mang lại hiệu quả kinh tế cao đang là lựa chọn của các hộ nông dân trong xã.
Sưu tầm: Thành LộcÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn