Các đại biểu dự buổi giám sát
Bình Phước có 40 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 19,7% dân số toàn tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh đã giảm 1.367 hộ nghèo đồng bào DTTS, đạt 134% so với kế hoạch. Tỷ lệ xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 đạt 77,58%
Bình Phước có 7 trường dân tộc nội trú, gồm 1 trường cấp tỉnh và 6 trường cấp huyện. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 45.061 học sinh DTTS, trong đó học sinh thuộc trường DTTS trên địa bàn tỉnh là 1.764 em.
Đối với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tổng lũy kế kết quả giải ngân nguồn vốn đã phân bổ năm 2022 và 2023 là 412 tỷ 686 triệu đồng, đạt 76% nguồn vốn phân bổ. Năm 2024, tổng kế hoạch vốn phân bổ là 243 tỷ 838 triệu đồng. Tính đến ngày 30-6, đã giải ngân 13 tỷ 791 triệu đồng, đạt 6,8% kế hoạch.
Thành viên đoàn giám sát trao đổi với Ban Dân tộc tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể tỉnh để làm rõ các nội dung về triển khai chiến lược công tác dân tộc
Về bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS, thời gian qua, trung bình mỗi năm đã tổ chức tuyên truyền lưu động khoảng 100 buổi cấp tỉnh, 500 buổi cấp huyện và khoảng 850 buổi chiếu phim lưu động. Toàn tỉnh có 25 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS được công nhận.
Qua giám sát, công tác dân tộc vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trong đồng bào DTTS vẫn còn cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở bậc mầm non thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng biên giới…
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điểu Nen phát biểu tiếp thu, ghi nhận các góp ý của đoàn giám sát
Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh Điểu Điều kết luận buổi giám sát
Trên tinh thần xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, các thành viên đoàn giám sát và Ban Dân tộc tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể tỉnh cũng trao đổi, làm rõ các nội dung: Công tác giải ngân nguồn vốn; phát triển cơ sở hạ tầng; chương trình xây dựng nông thôn mới; chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS; công tác phối hợp; hiệu quả trong việc đào tạo nghề cho đồng bào DTTS…
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh Điểu Điều ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Ban Dân tộc tỉnh. Đồng thời đề nghị Ban Dân tộc tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng cụ thể những giải pháp đột phá để việc thực hiện công tác dân tộc được tốt hơn; chú trọng, tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương.
Ý kiến bạn đọc