Đưa Luật Căn cước đi vào cuộc sống

Thứ năm - 25/07/2024 14:49
BPO - Từ ngày 1-7-2024, Luật Căn cước có hiệu lực, thẻ căn cước công dân (CCCD) đổi tên thành thẻ căn cước. Theo đó, cơ quan công an đã bắt đầu cấp thẻ căn cước, mẫu CCCD gắn chip sẽ dừng sản xuất. Thẻ căn cước có một số thay đổi nhất định từ việc thu thập thông tin người dân cũng như hình thức và thông tin ghi trên thẻ.

Ông Tống Ngọc Trung (70 tuổi) ở khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài cho biết, trước đây, khi đổi sang CCCD gắn chip, nhiều người cùng đi đổi thẻ dẫn đến tình trạng chờ đợi, ùn tắc ở một số nơi. Riêng vợ chồng ông phải mất 2 ngày để đi đổi. “Nếu CCCD gắn chip vẫn còn giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên thẻ, vậy người dân có bắt buộc phải đổi không? Từ ngày đổi chứng minh nhân dân qua CCCD, tôi chưa sử dụng lần nào, giờ lại đổi tiếp cũng mất thời gian của người dân, nhất là những người già” - ông Trung bày tỏ. 

Vợ chồng ông Tống Ngọc Trung ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài xem lại những thông tin trên thẻ căn cước công dân trước khi đổi qua thẻ căn cước

Còn chị Hoàng Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình, huyện Phú Riềng chia sẻ, thời gian qua, chị liên tục cập nhật, theo dõi tin tức về Luật Căn cước. Theo đó, khi người dân làm thẻ căn cước, công an sẽ thu thập mống mắt, vân tay, hình ảnh khuôn mặt để bổ sung vào cơ sở dữ liệu; riêng dữ liệu ADN và giọng nói không bắt buộc. “Từ ngày 1-7-2024, Luật Căn cước có hiệu lực nhưng chúng tôi vẫn chưa sắp xếp được thời gian để đi làm thẻ căn cước. Tôi cũng như nhiều người dân mong muốn các cấp, ngành nghiên cứu kỹ để khi triển khai thực hiện không phải đổi lại nhiều lần” - chị Ánh cho biết. 

Năm 2016, khi Luật CCCD có hiệu lực thi hành, Bộ Công an đã thí điểm cấp thẻ CCCD mã vạch cho công dân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều này dẫn tới có 2 loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng, gồm: CCCD mã vạch, chứng minh nhân dân 9 số và 12 số. Năm 2021, Bộ Công an cấp thẻ CCCD gắn chip thay cho CCCD mã vạch, triển khai trên phạm vi cả nước. Đến ngày 1-7-2024, lại tiếp tục đổi thẻ CCCD thành thẻ căn cước.

Qua 8 năm, thẻ CCCD đã có 3 lần thay đổi. Điều này đồng nghĩa, từ ngày 1-7-2024, 4 loại giấy tờ tùy thân cùng có hiệu lực sử dụng, gồm: chứng minh nhân dân, thẻ CCCD mã vạch, thẻ CCCD gắn chip và thẻ căn cước. Riêng với chứng minh nhân dân, luật quy định có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. 

Nhiều nông dân vẫn băn khoăn trong việc đổi thẻ

Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp công tác quản lý nhà nước khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự.

Theo Bộ Công an, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, CCCD trong giấy tờ đã cấp. Vì vậy về bản chất, thẻ căn cước chỉ thay đổi tên gọi và một số thông tin in trên thẻ. Và CCCD vẫn được sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ nên khó xảy ra tình trạng ùn tắc khi người dân đi làm thẻ căn cước.

Sưu tầm: Thành Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây