|
Hình ảnh Chủ tịch UBND xã Phước Thiện phát biểu tại điểm GDX Phước Thiện |
Hàng tháng, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tổ chức 7 buổi giao dịch tại 7 xã, thị trấn. Tại đây, cán bộ Phòng giao dịch cùng với các tổ chức - chính trị xã thị trấn phổ biến, tuyên truyền và công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, thực hiện quy trình xử lý nợ, tổ chức họp giao ban với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác.
Thông qua tổ giao dịch xã, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn, được hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hộ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng thời, mỗi người cán bộ, nhân viên ngân hàng phải bám địa bàn, bám dân; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội đoàn thể thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích.
Ông Nguyễn Bá Huy - Tổ trưởng Tổ giao dịch xã Tân Tiến cho biết: mỗi buổi đi giao dịch lưu động tại xã, Tổ giao dịch phải chuẩn bị cẩn thận, chu đáo mọi thủ tục, phương tiện cần thiết cho một ngày giao dịch chính xác, hiệu quả như: máy tính được cài đặt sẵn các chương trình, máy in, máy đếm tiền, máy phát điện dự phòng để phòng khi mất điện và các công cụ hỗ trợ khác.
Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ tín dụng có cuộc họp phổ biến cho các Tổ trưởng Tổ TK&VV nắm bắt được những chính sách mới, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, các Tổ trưởng Tổ TK&VV thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới để phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn.Với các chương trình vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện để phát triển kinh tế, xây nhà ở, tạo việc làm, tiếp tục học tập và đầu tư xây dựng các công trình nước sạch vệ sinh môi trường.
|
Hình ảnh hộ vay đến giao dịch tại điểm GDX xã Hưng Phước |
Ông Điểu Khem - Tổ trưởng Tổ TK&VV ở thôn Phước Tiến, xã Hưng Phước cho biết: Xã Hưng Phước cách trung tâm huyện hơn 15 km, đường đi cũng thuận lợi. Điểm giao dịch xã đã giúp bà con nhân dân không cần phải đến giao dịch tại Ngân hàng, tiết kiệm được thời gian đi lại và an toàn hơn. Việc thu nộp lãi hàng tháng cũng thuận tiện hơn rất nhiều.
Có mặt tại phiên giao dịch để giúp đỡ hội viên của mình hoàn tất hồ sơ vay vốn, chị Điểu Thị Quỳnh Nhung – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Phước chia sẻ: “Trước và sau mỗi phiên giao dịch, chúng tôi luôn tiến hành phổ biến, quán triệt và động viên các hội viên có sử dụng vốn vay, mục đích nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách được vay, đồng thời thực hiện nghĩa vụ trả lãi đúng hạn. Hội Phụ nữ xã Hưng Phước hiện có 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 267 hộ nghèo, cận nghèo được vay với số tiền hơn 11,5 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều hội viên có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo”.
Bà Vũ Thị Ngọc Hồi - Tổ trưởng Tổ giao dịch xã Tân Tiến cho biết: “Bất kể ngày nghỉ hay ngày lễ, phiên giao dịch được tổ chức cố định vào một ngày trong tháng nên rất thuận lợi cho bà con đến làm thủ tục vay vốn, trả lãi. Các thành viên trong Tổ giao dịch luôn chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ mọi phương tiện cần thiết cho một ngày giao dịch an toàn và hiệu quả”.
|
Hình ảnh hộ vay trả nợ tại điểm GDX xã Tân Tiến |
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch lưu động, thời gian qua, công tác tín dụng đã phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng được nâng lên, tăng khả năng thu nợ, giảm nợ quá hạn; chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng cao; hiệu quả hoạt động giao dịch của các Điểm giao dịch xã hàng năm được xếp loại Tốt. Công tác huy động tiền gửi tiết kiệm đạt kết quả khả quan. Đến nay, số tiền huy động từ các tổ chức, cá nhân tại địa phương là gần 10.000 triệu đồng, số tiền huy động qua Tổ tiết kiệm và vay vốn hơn 11.816 triệu đồng.
Nhờ phối hợp tốt với các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các chính sách tín dụng ưu đãi, quy định trong vay vốn, sử dụng vốn, trách nhiệm sử dụng và trả nợ vốn vay được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân. Qua đó, nâng cao ý thức, chủ động của người dân trong sản xuất, giảm tư tưởng chây lười, ỷ lại. Đến nay, NHCSXH huyện đã thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 277 tỷ đồng với 7.652 hộ vay vốn thông qua 174 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Riêng 4 tháng năm 2021, có trên 800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 28.812 triệu đồng; qua đó giúp thoát nghèo, tạo việc làm mới cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Giám đốc NHCSXH huyện Bù Đốp cho biết: Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã; tăng cường rà soát, cập nhật các văn bản, quy định, chính sách mới tại các điểm giao dịch để người dân nắm bắt, tiếp cận các nguồn vốn vay nhanh chóng. Đồng thời, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chuyển giao khoa học kỹ thuật và các nguồn vốn khác để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Ngân hàng CSXH Bù Đốp