Bù Đốp: Tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Thứ ba - 04/07/2023 10:42
"Thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”, đó là phương châm hoạt động của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bù Đốp trong thời gian qua. Theo đó, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đồng hành cùng các hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội khác đã được hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

(Nhiều hộ dân xã Tân Tiến (Bù Đốp) được vay vốn NHCSXH đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả)
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc NHCSXH Bù Đốp, cho biết: Phòng giao dịch luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đơn vị tích cực tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có ý thức trả nợ, trả lãi đúng quy định. Để đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng và thuận lợi cho người thụ hưởng, NHCSXH Bù Đốp phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn và được phân bổ đều khắp ở hầu hết các thôn, ấp. Mỗi xã, thị trấn bố trí 1 điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ các đối tượng ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi đã khiến hoạt động tín dụng chính sách xã hội là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Đến cuối tháng 6/2023, tổng dư nợ của NHCSXH Bù Đốp đạt hơn 361 tỷ đồng, tăng hơn 26 tỷ đồng so với đầu năm với 7.973 khách hàng vay vốn. Cùng với đó ngân hàng cũng triển khai hiệu quả cho vay các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch và tiếp đến Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ, về chính sách tín dụng  ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, tại huyện Bù Đốp đạt được rất đáng khích lệ, tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, tạo sự nhận thức trong vùng đồng bào dân tộc, chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách được nâng cao, huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, góp phần giảm khoản cách giàu nghèo đối với hộ Đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, thực sự là một trong những “điểm sáng” và là một “trụ cột” không thể thay thế trong hệ thống các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay…

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều khách hàng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng bông thiên lý, bưởi, chăn nuôi bò, dê xã Tân Tiến, Tân Thành... Đồng thời hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Gia đình anh Đàm Quốc Khánh, ấp Sóc nê, xã Tân Tiến là một minh chứng sinh động trong hàng trăm hộ gia đình trong huyện về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi, từng bước thoát nghèo bền vững. Anh Khánh cho biết: "Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, được vay vốn ưu đãi của NHCSXH từ chương trình tín dụng đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình đầu tư trồng bông thiên lý kết hợp nuôi bò sinh sản. Mô hình kinh tế mang lại hiệu quả đã giúp gia đình tôi thoát nghèo năm 2022. Khi thoát khỏi diện hộ nghèo, NHCSXH  tiếp tục cho vay vốn để duy trì phát triển sản xuất, từ đó có điều kiện nuôi con học tập, trả được nợ, sửa sang lại nhà cửa”.

Ngoài việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng, giải ngân nguồn vốn vay, NHCSXH Bù Đốp còn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng điểm giao dịch, tổ giao dịch lưu động tại xã, hoạt động ủy thác của các tổ chức hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn. Do đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân về công tác giảm nghèo, chất lượng tín dụng bảo đảm. NHCSXH huyện Bù Đốp đã khơi thông kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và những đối tượng chính sách xã hội khác.
                                                                           NHCSXH huyện Bù Đốp

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây