Cần quyết tâm của ngành giáo dục và cả cộng đồng

Thứ ba - 05/12/2023 10:42 407 0
BPO - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc, một trong những vấn đề được phụ huynh cả nước đặc biệt quan tâm: Đại biểu Quốc hội có ý kiến về việc đưa dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ai từng đi học hẳn không thể không biết việc học thêm - dạy thêm sau những giờ học chính khóa. Đời sống kinh tế ngày một được cải thiện, việc dạy thêm - học thêm cũng dần phổ biến rộng rãi hơn và hiện đã trở thành một phần không thể thiếu với cả người học và người dạy.

Trên thế giới, có lẽ không quốc gia nào học sinh “được” học thêm nhiều như học sinh Việt Nam. Về điểm số, cũng không học sinh nước nào có được điểm cao như học sinh Việt Nam. Học cho bằng con nhà người ta, học để cha mẹ được tự hào về con cái, học để dòng họ được vinh danh, học để sau này vào được đại học, học cho bằng bạn bè… Có rất nhiều lý do được đưa ra để cả cha mẹ, nhà trường, rộng hơn là toàn xã hội tạo sức ép vô hình đưa đẩy học sinh đến các lớp học thêm.

Cũng vì thế, câu chuyện học thêm được đề cập khá phổ biến trong hầu hết các gia đình. Nhiều gia đình nội bộ xích mích, mâu thuẫn vì bất đồng quan điểm trong việc cho con học thêm môn gì, thầy cô nào, học nhiều hay ít, gay gắt hơn là học thêm hay không học thêm…

Nhận thức là nhu cầu bẩm sinh, tất yếu. Có cầu ắt có cung. Điều đó hoàn toàn bình thường, là quy luật của cuộc sống. Vấn đề ở chỗ quy luật ấy có được vận hành một cách tự nhiên hay không. 

Thầy hay sẽ có trò giỏi, “hữu xạ tự nhiên hương”. Có thầy cô học trò xin tới học từ chối không hết, chỉ lo không có sức khỏe để dạy. Cũng có thầy cô cho dù tìm mọi cách để ép học sinh của mình tới học cũng không có kết quả. Không ít học sinh và phụ huynh chấp nhận đóng tiền để không bị “đì”, chứ nhất định không tới học, vì đi học chỉ chán ngán và mất thời gian. Cũng có không ít trường hợp không phải giáo viên của trường nào, chưa từng qua các lớp nghiệp vụ sư phạm, nhưng có trình độ, có kỹ năng nên học trò vẫn đều đều tới học và họ vẫn “đứng lớp” mỗi tối.

Thực tế thời gian qua tình trạng dạy thêm - học thêm trái quy định, ép học sinh học thêm ngày một nhiều, gây bức xúc trong xã hội. Đó là lý do có ý kiến đưa dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu quy định này trở thành hiện thực sẽ là công cụ quan trọng để cơ quan chức năng xử lý vi phạm cả trong và ngoài trường học. 

Điều kiện được dạy thêm, thời gian giáo viên được dạy thêm, thời gian học sinh được học thêm, kinh doanh thì phải đóng thuế… và rất nhiều vấn đề khác sẽ được quy định cụ thể. Từ đó, hoạt động dạy - học nói chung và dạy thêm - học thêm nói riêng cũng được quản lý chặt chẽ hơn. Tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan, vắt kiệt sức cả giáo viên và học sinh sẽ không còn nữa. 

Cái “được” của việc đưa dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện dễ thấy, nhưng cái “mất” cũng không khó nhận ra. Đó là môi trường sư phạm, môi trường giáo dục sẽ hành chính hóa tăng lên, “hữu xạ tự nhiên hương” giảm đi.

Dạy thêm - học thêm đang ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu học sinh và gia đình trên khắp cả nước. Cần hay không cần, quản hay cấm dạy thêm - học thêm… mỗi phụ huynh, nhà khoa học, nhà giáo có quan điểm khác nhau. Song có lẽ, bài toán này chỉ có đáp án khi tìm được ẩn số gốc của vấn đề: Làm thế nào để giảm được nhu cầu học thêm? Nói cách khác, làm thế nào giảm khối lượng kiến thức sách giáo khoa và giảm bệnh hình thức. Lý thuyết là thế, chỉ là ngành giáo dục và cộng đồng có quyết tâm hay không mà thôi.

Sưu tầm: Thành Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay3,025
  • Tháng hiện tại154,237
  • Tổng lượt truy cập17,378,125
Niên giám thống kê
Thông tin quy hoạch
Thủ tục hành chính
Đề tài khoa học
Công báo Bình Phước
Công báo chính phủ
Chính phủ
Bảo vệ biển đảo
Xây dựng nông thôn mới
Người LĐ và Doanh nghiệp
Đạo đức HCM
Hướng tới bầu cử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây