Trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực nông thôn và đồng bào DTTS còn lạc hậu, một bộ phận không nhỏ người nghèo chưa được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đồng bào DTTS còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị tại địa phương.
Trong các chương trình giảm nghèo bền vững, vốn tín dụng chính sách xã hội là một trong những kênh quan trọng, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn, tạo điều kiện cho khu vực đồng bào DTTS thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, sớm hòa nhập vào sự phát triển chung của huyện.
Những năm vừa qua, đánh dấu bước chuyển biến mới trong tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bù Đốp đã tích cực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và nhất là tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS, tốc độ tăng trưởng vốn tại khu vực đồng bào DTTS luôn cao hơn tốc độ tăng của toàn huyện. Tiếp nối những thành quả chính sách cho vay đồng bào DTTS theo các quyết định 32/QĐ-TTg, Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 2085/QĐ-TTg cho vay áp dụng chung cho đồng bào DTTS trên cả nước, các chính sách này đã gắn chặt vốn tín dụng chính sách với phương án sản xuất kinh doanh của hộ vay và hạn chế được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên của đồng bào DTTS, tiếp thêm động lực thúc đẩy thoát nghèo bền vững.
Tổng dư nợ của các chương trình cho vay: Cho vay hộ DTTS đặc biệt khó khăn QĐ 54/QĐ-TTg, Cho vay hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn QĐ 755/QĐ-TTg, Cho vay hộ DTTS QĐ 2085/2016/QĐ-TTg trên địa bàn huyện Bù Đốp, tính đến 30/04/2021 là: 3.358 triệu đồng. Dòng vốn đi đúng địa chỉ, đúng đối tượng, với phương án sản xuất kinh doanh khả thi của hộ vay đã được phản ánh rõ qua chất lượng tín dụng tại khu vực đồng bào DTTS; các hộ khi được tiếp cận với nguồn vốn vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; nợ quá hạn: 30 triệu đồng chiếm tỷ lệ 0,89%/ tổng dư nợ của 3 chương trình cho vay đối với hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Vốn vay không những giúp đồng bào DTTS quen với việc vay vốn sản xuất kinh doanh mà còn giúp đồng bào chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên, cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn
|
Hình ảnh hộ vay vốn được thụ hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách DTTS với mô hình trồng và chăm sóc vườn tiêu của gia đình |
Hòa chung với niềm vui của cả nước trong những ngày tháng lịch sử này, với “sứ mệnh” của mình, Ngân hàng CSXH huyện Bù Đốp luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, tín dụng chính sách đã và đang góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Bù Đốp nói chung và nhất là khu vực đồng bào DTTS nói riêng. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện, làm thay đổi đáng kể diện mạo khu vực đồng bào DTTS trên địa bàn vùng biên Bù Đốp.
Nguồn Tin bài và ảnh: Ngân hàng CSXH huyện Bù Đốp