Các đại biểu và người khuyết tật tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, luật sư Hoàng Kim Vinh - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước đã phổ biến các điều cam kết của Chính phủ Việt Nam trong Công ước quốc tế về NKT, phổ biến Luật NKT Việt Nam. Theo đó, Luật NKT gồm 10 chương, 53 điều; quy định về quyền và nghĩa vụ của NKT, trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với NKT. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Theo số liệu thống kê tổng điều tra dân số năm 2009, tỉnh Bình Phước có 48.047 NKT, chiếm 5,5% dân số. Trong đó, NKT có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP tính đến tháng 6/2015 là 6.333 người (NKT đặc biệt nặng 1.688 người, NKT nặng 3.588 người, NKT nhẹ 1.057 người).
Xác định công tác thực hiện Luật NKT là trách nhiệm của Đảng, nhà nước và của toàn xã hội. Ngay sau khi luật có hiệu lực, UBND tỉnh đã triển khai đến các sở, ngành, địa phương. Cụ thể như NKT được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, sống độc lập, hòa nhập cộng đồng. NKT được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm. NKT được trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật. Thông qua đó, góp phần giúp NKT vơi bớt khó khăn, mặc cảm, tự ti, tự lực vươn lên hòa nhập cộng đồng./.
(Nguyễn Văn Việt - Nguồn CTTĐT Bình Phước)