Trung Quốc xâm lấn Biển Đông: Thế giới phản đối mạnh mẽ!

Thứ tư - 14/05/2014 08:23

Trung Quốc xâm lấn Biển Đông: Thế giới phản đối mạnh mẽ!

(CTTĐTBP) - Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD981 cùng gần 100 tàu hộ tống, máy bay vào vùng biển Việt Nam, kể từ ngày 2-5, đã bị dư luận thế giới lên án gay gắt. Nói như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, thì "việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực này là một hành động khiêu khích, không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”. Cùng đó, nhiều ý kiến từ Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Cộng đồng ASEAN... đã mạnh mẽ phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc.
 
 
Trong ngày 7-5, cùng với người Phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ, Thượng nghị sỹ John McCain cũng khẳng định: "Các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế”.
 
Một ngày sau đó, 8-5, trả lời phỏng vấn tại trung tâm báo chí tại Thủ đô Washington, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ- bà Marie Harf nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào Biển Đông là vô cùng nguy hiểm, nó có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và kéo theo các hành động khiêu khích khác và làm gia tăng căng thẳng”. Tiếp đó, ngày 9-5, nhóm các Thượng nghị sỹ có thế lực của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ,  gồm Chủ tịch Ủy ban Robert Menendez cùng Thượng nghị sỹ Patrick Leahy ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây rối ở Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: "Việc Trung Quốc mới đây di chuyển giàn khoan HD981 thăm dò, được các tàu quân sự và tàu khác hộ tống, vào vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông ngoài khơi Việt Nam cùng với những hành vi hiếu chiến tiếp sau đó của tàu Trung Quốc, trong đó có việc đâm vào các tàu của Việt Nam, là rất đáng quan ngại. Những hành động này đe dọa dòng chảy thương mại tự do toàn cầu trong một khu vực có tầm quan trọng sống còn”.
 
Trả lời phỏng vấn New York Times hôm 10-5, Orville Schell- học giả về Trung Quốc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ Mỹ-Trung nhận xét, "Đây rõ ràng không phải kiểu trỗi dậy hòa bình mà Trung Quốc vẫn thường rêu rao”. 
 
Ngày 12-5, ngay sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN24 tại Myanmar, nhiều hãng truyền thông quốc tế đã dẫn lại bài phát biểu mạnh mẽ này; cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành những hành động nguy hiểm tại Biển Đông. Theo New York Times, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là tuyên bố mạnh mẽ nhất của Việt Nam kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trên vùng biển của Việt Nam. "Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam tràn đầy khí thế, khác hẳn với những kỳ họp vốn yên ắng của ASEAN. Myanmar sau đó đã đưa ra một tuyên bố chung sau cuộc họp, trong đó thể hiện "mối quan ngại sâu sắc đến diễn biến trên Biển Đông” và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, New York Times viết. Còn Hãng tin Bloomberg dẫn Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN, bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ đụng độ trên Biển Đông, ngoài khơi Việt Nam và thúc giục Bắc Kinh đàm phán về an ninh hàng hải. Theo Wall Street Journal, với Tuyên bố chung lịch sử sau 19 năm, giới chức ASEAN đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc. 
 
Như vậy, hành động ngang ngược của Trung Quốc lấn chiếm vùng biển của Việt Nam đã bị dư luận thế giới lên án mạnh mẽ, cùng với sự quan ngại sâu sắc. Ngày 12-5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực vì việc khai thác bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc không có hành động đơn phương khiến tình hình leo thang”. Báo Times of India dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Chính phủ nước này rất quan ngại về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông hiện nay, do Trung Quốc gây ra. Trong bài viết có quan điểm tương tự, tờ The Economic Times của Ấn Độ đăng bài viết với nhận định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam rõ ràng là nhằm tăng cường yêu sách về lãnh thổ. "Lâu nay Trung Quốc vẫn cho rằng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông của họ là không thể tranh cãi, nhưng rõ ràng những tuyên bố này thiếu chứng cứ pháp lý quốc tế, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển”, bài báo viết.
 
Trước đó 1 ngày, ngày 11-5, tờ Người đưa tin Sydney buổi sáng của Australia dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Australia  đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại khu vực sau khi Trung Quốc có hành động hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc Trung Quốc điều lực lượng khoảng 80 tàu thuyền cũng giàn khoan HD981 vào vùng biển của Việt Nam cho thấy cách xử sự "hung hăng, thiếu thận trọng” mà không một doanh nghiệp thương mại tư nhân nào thực hiện.
 
Còn tại phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN24, ngày 11-5, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho rằng, Trung Quốc không thể dùng "chính sách ngoại giao tàu chiến”. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, ASEAN "cần phải có quan điểm về tình hình hiện nay ở Biển Đông vì an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này”.
 
Thế giới đang đứng về phía Việt Nam, lên án và đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền lợi của các dân tộc khác, không được thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Bộ mặt thật của Trung Quốc đã lộ rõ, và nói như truyền thông Đức thì họ "hãy nên biết rút lui trước khi quá muộn”. Mặc dù việc gây hấn của Trung Quốc chỉ liên quan đến Việt  Nam, nhưng hành động ngang ngược đó không che được mắt thiên hạ. Thế giới càng hiểu dã tâm của Trung Quốc trong ý đồ độc chiếm Biển Đông. Vì thế, hành động của họ bị lên án ở khắp nơi!
 
GS. Sarao Karam Tej Singh, nhà xã hội Phật giáo Ấn Độ: TRUNG QUỐC TỰ ĐÁNH MẤT MÌNH TRƯỚC CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ 
 
"Phật đã dạy về tình bạn và hòa bình, do vậy hòa bình giữa Việt Nam và Trung Quốc và mọi người trên thế giới là điều vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ rằng, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cũng phải thấm thía điều này. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc lại có hành động xâm phạm chủ quyền, xâm phạm lãnh hải trên Biển Đông của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tôi cho rằng, Trung Quốc nên tôn trọng chủ quyền của những nước láng giềng. Việc gia tăng tình hình trên Biển Đông chỉ khiến Trung Quốc tự đánh mất mình trước cộng đồng quốc tế mà thôi. Và điều này không hề tốt với Trung Quốc”.
Nhã Phương (ghi)
 

 

Theo Báo Đại Đoàn Kết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây