NHỮNG BƯỚC NGOẶT
* Thưa ông, qua 20 năm xây dựng, hệ thống hạ tầng viễn thông của Viettel đã mở rộng, phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Phước như thế nào? Những bước ngoặt tạo nên thành công và thương hiệu của Viettel Bình Phước?
Ngày 1-8-2004, khi những tín hiệu sóng di động đầu tiên từ trạm BPC001 của Tập đoàn Viễn thông Quân đội được phát đi thành công - thời gian đó đã trở thành mốc son lịch sử, ghi nhận sự hình thành và phát triển của Viettel Bình Phước.
Giám đốc Viettel Bình Phước Vũ Tuấn Dũng chia sẻ những dấu ấn đậm nét khi đồng hành cùng tỉnh Bình Phước trong tiến trình chuyển đổi số
Từ những trạm phát sóng ban đầu, đến nay đơn vị có hơn 800 trạm phát sóng, cánh sóng Viettel đã phủ khắp khu dân cư, từ thành thị đến nông thôn, vùng biên giới. Hạ tầng viễn thông cũng được đặc biệt quan tâm tối ưu, đảm bảo trên toàn tỉnh, hàng ngàn kilômét cáp quang trở thành mạch máu thông tin, phục vụ quốc phòng, an ninh; mang công nghệ và tri thức khoa học phục vụ khách hàng, người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 2 thập kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển, Viettel Bình Phước hôm nay đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS), công nghệ số, với thị phần viễn thông xấp xỉ 68%, thuê bao di động hơn 850 ngàn thuê bao. Với chúng tôi, phần thưởng xứng đáng, tự hào nhất chính là sự tin tưởng của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, khách hàng và đối tác dành cho Viettel.
20 năm xây dựng, trưởng thành, cán bộ, công nhân viên Viettel Bình Phước đã miệt mài lao động, luôn tiên phong trên các lĩnh vực kinh doanh, phát triển mạng lưới, xây dựng đơn vị vững mạnh
ĐỒNG HÀNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
* Hòa mình vào thời kỳ bùng nổ của “kỷ nguyên số”, song song với phát triển hạ tầng số, Viettel Bình Phước đã đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái số, kiến tạo xã hội số và tham gia các chương trình tư vấn, cung cấp dịch vụ phục vụ công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh ra sao, thưa ông?
Bình Phước là một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng Đông Nam Bộ, có nhiều loại hình kinh tế với tiềm lực phát triển lớn. Trong đó, Bình Phước có những lợi thế nhất định trong quá trình CĐS của địa phương cũng như quốc gia. Viettel đã có nhiều chương trình hợp tác, đồng hành với địa phương trong CĐS.
Từ năm 2016, Viettel Bình Phước đã được lãnh đạo tỉnh tin tưởng ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp tạo nền móng CĐS, phát triển hạ tầng, trạm BTS, trạm 4G…
Viettel cung cấp giải pháp lắp đặt kios tự động quét căn cước công dân đặt tại quầy tiếp nhận hồ sơ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, giúp người dân rút ngắn quy trình giải quyết thủ tục hành chính từ 4 bước xuống còn 1 bước
Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2022, UBND tỉnh Bình Phước và Viettel đã ký kết hợp tác giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 với các nhiệm vụ trọng yếu gồm: Hợp tác phát triển hạ tầng, nền tảng số; tư vấn, hợp tác phát triển chính quyền số; tư vấn, hợp tác phát triển xã hội số; tư vấn, hợp tác phát triển kinh tế số; tư vấn, hợp tác đảm bảo an toàn thông tin.
Bình Phước và Viettel đã phối hợp xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đáp ứng yêu cầu CĐS toàn diện tỉnh Bình Phước đồng bộ hiện đại, có công nghệ mới nhất, mở rộng vùng phủ băng rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Trong đó, phát triển 5G tại các địa bàn trọng yếu, đủ điều kiện triển khai, ưu tiên phủ sóng tại các khu vực, địa điểm trung tâm, các khu, cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Với nhận thức hạ tầng viễn thông là nội dung quan trọng trong CĐS, thời gian qua, Viettel đã tập trung phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với tỉnh xây dựng vận hành một số trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp huyện, cung cấp hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin và hệ thống đường truyền, phần mềm dịch vụ công và một cửa điện tử cho Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; tích hợp ứng dụng thanh toán điện tử vào Cổng dịch vụ công tỉnh, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4… Viettel cũng ưu tiên triển khai hạ tầng Cloud đối với các hệ thống thông tin quan trọng, đảm bảo sẵn sàng, an toàn thông tin, an ninh mạng không phụ thuộc vào hạ tầng các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhân viên Viettel hỗ trợ người dân cài đặt chữ ký số, nâng sim từ 2G lên 4G để phục vụ chiến lược chuyển đổi số của tỉnh
Viettel cung cấp các giải pháp ưu tiên đẩy mạnh CĐS lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, tài nguyên - môi trường và các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Bình Phước. Ứng dụng đô thị thông minh và CĐS đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở, hoàn thiện hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong các cấp, ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị tỉnh Bình Phước.
Viettel đã để lại dấu ấn đậm nét khi đưa tỉnh Bình Phước trở thành mô hình điểm trong toàn quốc về CĐS, duy trì giữ vững thứ hạng xếp hạng DTI (bộ chỉ số đánh giá CĐS) của tỉnh.
8 GIÁ TRỊ CỐT LÕI
*Thưa ông, để trở thành doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin số 1 trên địa bàn, văn hóa doanh nghiệp của Viettel Bình Phước có điều gì khác biệt?
Một điều chắc chắn rằng, để làm nên những thành công của Viettel Bình Phước ở thời điểm hiện tại không thể vắng bóng 8 giá trị cốt lõi của Viettel đó là “Thực tiễn - Thách thức - Thích ứng - Sáng tạo - Hệ thống - Đông Tây - Người lính - Ngôi nhà chung Viettel”, điều đó cũng tạo ra sự khác biệt của Viettel và các doanh nghiệp cùng lĩnh vực khác. Là một đơn vị sinh ra từ quân đội, mỗi cán bộ, công nhân viên Viettel luôn thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm quy định, đồng thời luôn khuyến khích nhân viên không ngừng học hỏi, sáng tạo và đưa ra ý tưởng mới, thậm chí cả những ý tưởng có tính rủi ro được đưa vào kiểm chứng thực tiễn nhằm tìm ra giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề của khách hàng. Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, tạo tâm thế thoải mái cho cán bộ, công nhân viên.
Viettel Bình Phước thường xuyên bảo dưỡng hệ thống, thiết bị, đường truyền đảm bảo cho hạ tầng mạng lưới và dịch vụ hoạt động tốt
*Những trăn trở và định hướng chiến lược trong chặng đường phát triển sắp tới của Viettel Bình Phước là gì, thưa ông?
20 năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi vẫn còn những mặt làm chưa tốt. Đó là chưa đưa được 100% khách hàng sử dụng dịch vụ của Viettel lên môi trường số, thể hiện ở chỗ còn hơn 60 ngàn khách hàng đang sử dụng máy 2G chưa chuyển đổi sang 4G; chưa truyền thông tốt để thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ viễn thông truyền thống chuyển sang sử dụng các dịch vụ số như thanh toán số thương mại điện tử…
Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mở rộng hạ tầng mạng lưới trọng tâm và 4G, 5G để đáp ứng yêu cầu CĐS toàn diện của tỉnh. Để Viettel Bình Phước làm tốt hạ tầng trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, tạo điều kiện cho Viettel trong công tác phát triển hạ tầng.
Viettel Bình Phước ra quân quyết tâm hoàn thành mục tiêu “4 phủ” trên địa bàn tỉnh
Trên cơ sở tiếp bước các thành quả của lớp lớp thế hệ đi trước đã gây dựng nên bộ gen Viettel Bình Phước, hòa quyện với chính con người Bình Phước đó là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo, lấy tôn chỉ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động trên địa bàn, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác bán hàng đến từng hộ dân. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các cấp truyền thông chuyển đổi máy điện thoại 2G theo lộ trình tắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 9-2024; vươn xa thông qua ứng dụng công nghệ tốt nhất, hiệu quả nhất, làm nền tảng cho các hoạt động CĐS, chuyển đổi xanh trên địa bàn đúng như chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Viettel Bình Phước. Cùng các doanh nghiệp đưa Bình Phước đến hết năm 2025 trở thành tỉnh mạnh về viễn thông và công nghệ thông tin, tăng cường các hoạt động CĐS.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn