Ðó là bà Nguyễn Thị Dung, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm & Vay vốn Hội Phụ nữ Xã Thiện Hưng. Hơn 07 năm đảm nhiệm công việc Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm & Vay vốn của Hội Phụ nữ, không chỉ bảo toàn được nguồn vốn của Nhà nước, bà Dung còn tích cực tuyên truyền để người vay vốn và thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy vai trò nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Năm 2011, bà được lựa chọn và tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ Tiết kiệm & Vay vốn Thôn 2 xã Thiện Hưng; dưới sự quản lý trực tiếp của Hội Phụ nữ xã, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tổ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm giảm tình trạng người dân thiếu vốn phải vay nặng lãi, bán tiêu, điều non... Nhờ kinh nghiệm làm khi còn công tác tại cơ quan nhà nước, nên khi đảm nhiệm công việc mới, bà Dung luôn tâm niệm, phải làm đúng và trách nhiệm với công việc.
Tuy nhiên, việc vận động hộ vay gửi tiền tiết kiệm hằng tháng gặp khó khăn. Trong dân cư, có gia đình thực hiện, nhưng cũng có gia đình còn e ngại "liệu gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ có an toàn không"? Lợi ích thế nào? Thuận tiện cho việc gì? Bà Dung đã tổ chức họp tổ với sự tham gia của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội phụ nữ xã Thiện Hưng để tuyên truyền các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất đưa vào quy ước hoạt động của tổ: Hằng tháng, mỗi tổ viên gửi tiết kiệm tối thiểu 300.000 đồng, hộ có điều kiện thì gửi nhiều hơn. Dần dần, việc tiết kiệm từ bán hàng và những thu nhập nhỏ hàng tháng đã được tổ viên trong tổ Tiết kiệm &Vay vốn do bà quản lý duy trì đều đặn. Đến nay, các hộ vay vốn đều gửi tiền tiết kiệm. Hộ gửi nhiều nhất có số dư tiết kiệm trên 21.913.000 đồng, hộ ít nhất là 300.000 đồng. Thời gian qua, các hộ trong tổ Tiết kiệm & Vay vốn do bà phụ trách làm tốt việc gửi tiết kiệm và trả lãi, trả gốc theo quy định. Từ năm 2011 đến nay, trong tổ không có lãi tồn và không có nợ quá hạn.
Hoạt động của tổ Tiết kiệm & Vay vốn do bà Dung làm Tổ trưởng đã không ngừng phát triển về quy mô dư nợ cũng như số lượng tổ viên. Từ năm 2011 đến nay, trong thôn đã có 100 lượt hộ dân tham gia Tổ Tiết kiệm & Vay vốn để sinh hoạt và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện, Tổ Tiết kiệm & Vay vốn thôn 2 xã Thiện Hưng có 47 tổ viên còn dư nợ trên 2 tỷ đồng. Các tổ viên tham gia sinh hoạt đều đặn, chấp hành tốt quy ước hoạt động và thực hiện gửi tiền tiết kiệm đúng quy định, đến nay số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ đạt 171 triệu đồng, bình quân 3.600.000 đồng/hộ.
Trong quá trình hoạt động, các thành viên trong tổ luôn hỗ trợ, giúp nhau sản xuất, kinh doanh. Do vậy, từ nhiều năm qua, nguồn vốn vay đã giúp hàng chục hộ trong tổ có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Một số hộ nhờ được vay vốn ưu đãi đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đem lại thu nhập ổn định. Điển hình là gia đình Bà Nguyễn Thị Thu Hà ở tổ 2 năm 2015 vay chương trình Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu và sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình.
Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm trong hơn 07 năm làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, bà Nguyễn Thị Dung cho rằng: Trước hết, phải nhiệt tình, tâm huyết, trung thực, dân chủ, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại thu nhập cao; thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của Tổ Tiết kiệm & Vay vốn cũng như các nội dung công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy nhiệm.
Nguyễn Đình Phương
PGĐ phòng giao dịch NH CSXH huyện Bù Đốp