0 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW: Chủ trương lớn hợp lòng dân

Thứ năm - 18/07/2024 16:20
BÀI 1SỨC MẠNH TỔNG HỢP HỖ TRỢ NHÂN DÂNBPO - Những năm qua, mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đời sống một bộ phận nhân dân Bình Phước còn nhiều khó khăn. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bình Phước xác định tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (CSXH) là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm nhằm tăng nguồn lực, nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH. Sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh đã góp phần to lớn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nói chuyện tại hội nghị sản xuất cứu đói ngày 13-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”(*).

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nhân dân, đặc biệt người dân nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng CSXH là một trong những chủ trương cụ thể hóa lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã trở thành động lực giúp hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tín dụng CSXH do Ngân hàng CSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp thực tiễn - theo đúng tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định.

HƠN 265 NGÀN LƯỢT HỘ DÂN ĐƯỢC VAY VỐN

10 năm qua, ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ chủ chốt các cấp; tập trung lãnh đạo các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Giải ngân vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân tại UBND xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập - Ảnh: T.L

Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn chi nhánh, đồng thời kết hợp tuyên truyền với tập huấn tới ban giảm nghèo cấp xã, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn. Nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của tín dụng CSXH đã được nâng lên, tạo được sự thống nhất trong hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng CSXH.

Tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30-4-2024 trên địa bàn Bình Phước đạt 4.459 tỷ 834 triệu đồng, tăng 3.027 tỷ 252 triệu đồng so với năm 2014. Dư nợ tại các xã xây dựng nông thôn mới 3.696 tỷ 272 triệu đồng, dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số 788 tỷ 722 triệu đồng, số khách hàng đang còn dư nợ 87.426 hộ, tương ứng với 30,9% số hộ của tỉnh được vay vốn các chương trình tín dụng CSXH.

Trong 10 năm qua, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH phù hợp chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế địa phương. Các huyện, thị, thành ủy, UBND và hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã cũng đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện với trọng tâm là tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 265 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ tín dụng CSXH, với doanh số cho vay hơn 7.766 tỷ 346 triệu đồng.

TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH NGÀY CÀNG THUẬN LỢI

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng CSXH được các cấp ủy đảng, các ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và Ngân hàng CSXH tỉnh chú trọng, quan tâm thực hiện thường xuyên với hình thức đa dạng, phong phú. Giai đoạn 2014-2024 có 3.582 tin, bài, phóng sự về hoạt động tín dụng CSXH đăng phát. Các nội dung tuyên truyền được Ngân hàng CSXH tỉnh công khai trên bảng thông tin tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Từ nguồn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều nông dân có vốn đầu tư vào sản xuất - Ảnh: Trung Quang

Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH, hằng năm, UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp quan tâm bố trí ngân sách để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.

Ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng CSXH các cấp giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH. Vì thế, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố luôn quan tâm kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp tỉnh và cấp huyện. Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp trên địa bàn tỉnh hiện có 240 thành viên. Cấp tỉnh có 13 thành viên; cấp huyện có 227 thành viên, trong đó 111 thành viên là chủ tịch UBND cấp xã. Thời gian qua, thông qua hoạt động của ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng CSXH các cấp, việc triển khai các chương trình tín dụng của ngân hàng CSXH ngày càng thuận lợi hơn, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở.

Đặc biệt, để tạo lập nguồn vốn địa phương ổn định nhằm triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tham mưu xây dựng “Đề án đầu tư tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2025-2030”. Đề án đang trong quá trình xây dựng. Đây là một bước đột phá để nâng cao hơn nữa nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH trong giai đoạn tới.

(*) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, trang 518.

Sưu tầm: Thành Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây