Điển hình như chị Đàm Thị Lai ở ấp 5 xã Thanh Hòa huyện Bù Đốp được biết đến là một trong những tấm gương vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững tại địa phương, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Thông qua Hội Phụ nữ xã, chị Lai được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) với số tiền 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo theo đề án giảm 1.000 hộ nghèo trên địa bàn huyện Bù Đốp nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung, để đầu tư xây chuồng trại, mua trâu và dê về nuôi theo hướng sinh sản và trồng hồ tiêu. Nhờ sử dụng nguốn vốn vay đúng mục đích đến cuối năm gia đình chị có thu nhập khoảng 30 triệu đồng từ việc bán trâu, bán dê và hiện gia đình chị Lai đã thoát diện hộ nghèo của xã.
Chị Đàm Thị Lai bên đàn trâu và dê của gia đình
Chị Lai cho biết: trước đây, gia đình chị rất khó khăn và thuộc diện hộ nghèo của xã; sau khi được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, chị đã đầu tư nuôi trâu, nuôi dê và trồng hồ tiêu với quyết tâm phải thoát nghèo. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Lai còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trong ấp để cùng thi đua làm giàu, chị còn vận động bà con trả lãi, đóng tiết kiệm hàng tháng, trả vốn vay đúng hạn, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân cũng như góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Hiện hiệu quả phát triển kinh tế của gia đình chị Lai đã lan tỏa đến không ít người dân trong ấp.
Cũng vươn lên từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội anh Hoàng Văn Lập là hội viên Chi hội nông dân ấp 5, xã Thanh Hòa chia sẻ: “Với người dân nông thôn, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn ban đầu. May, nhờ có nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mua bò để nuôi sinh sản mới có cơ hội để phát triển kinh tế gia đình”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Đốp cho biết, tính đến cuối tháng 6/2020, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt trên 254 tỷ đồng, với 7.610 khách hàng vay vốn ở 12 chương trình cho vay. Với nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện được hình thành và phát triển; giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống cũng như góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Để đồng vốn đến đúng đối tượng cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí thấp nhất cho hộ vay, tất cả cán bộ công nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã; ban quản lí tổ Tiết kiệm và vay vốn có đủ năng lực trình độ để triển khai, tuyên truyền nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả; góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.
Minh Hoạt