Bình Phước thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Thứ năm - 08/05/2014 10:41
"  Đồng chí Nguyễn Tấn Hưng "http://web.cema.gov.vn" Nhân dịp đầu xuân Tân Mão năm 2011, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tấn Hưng-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước.
Xin đồng chí cho biết, những năm qua Đảng bộ tỉnh đã có chủ trương, chính sách gì cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng: Khi mới tái lập tỉnh năm 1997, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh vẫn còn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm hơn 41,32%. Năm 1998, toàn tỉnh có 43/87 xã ĐBKK, trong đó có 4 xã có tỷ lệ hộ đói nghèo trên 40% dân số.

Ngay từ năm đầu tiên tái lập tỉnh (1997), Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07 – NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi - dân tộc; Nghị quyết số 08 – NQ/TU về xóa đói giảm nghèo thời kỳ 1998 – 2000 và những năm tiếp theo. Thực hiện Nghị quyết số 24 – NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 20 – CTr/TU về công tác dân tộc; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, VIII, IX đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực cho công tác phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TU (1998) về việc tăng cường củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, thành lập các đoàn công tác nhằm giúp các xã vùng đồng bào DTTS tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh...

Hiệu quả đạt được của các chủ trương, chính sách trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Phước như thế nào, thưa đồng chí?

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, việc phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trong những năm qua đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng.

Về kinh tế: Hơn 13 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bình Phước đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế.

Thông qua thực hiện các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia như: 135, 134, 160,190,... tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông, các công trình thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế xã. Hỗ trợ xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đầu tư xây dựng các trung tâm cụm xã. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ thôn, ấp cho hơn 2000 lượt người; tiến hành hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và làm nhà ở cho hơn 10.000 hộ...

Việc lồng ghép các nguồn vốn với chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm được thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS của tỉnh năm 1998 là 41,3%, đến năm 2010 giảm xuống còn 13,4%. Bình quân hộ nghèo giảm mỗi năm 2,5%. Năm 2000 thu nhập bình quân đầu người từ 1,92 triệu/người/năm, đến năm 2009 đạt 5,6 triệu đồng/người/năm.

Năm 2010, đã giảm được 25 xã đặc biệt khó khăn, hiện nay toàn tỉnh còn 18 xã và 21 thôn, ấp thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Về văn hóa - xã hội: Hiện nay toàn tỉnh có 5 trường dân tộc nội trú (1 trường THPT, 4 trường THCS) và có 89,15% xã có đủ trường học; trên 98,69% số học sinh trong độ tuổi đi học tiểu học, 95,43% học sinh học trung học cơ sở.

Các chương trình y tế quốc gia được triển khai rộng khắp và nghiêm túc. Hiện nay 80% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 64% số trạm y tế xã có bác sĩ, 100% thôn, ấp có nữ hộ sinh.

Về xây dựng củng cố hệ thống chính trị: Từ năm 1997 đến nay, với kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS từ tỉnh đến xã, phường là gần 100 tỷ đồng. Tỉnh đã phát triển được 1254 đảng viên là người DTTS (chiếm 6,8% số đảng viên trong tỉnh).

Đồng chí cho biết, giải pháp lớn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới và giai đoạn tiếp theo sẽ được triển khai là gì?

Bí thư Tỉnh ủy-Nguyễn Tấn Hưng: Để tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng đối với đồng bào DTTS một cách hiệu quả, trong thời gian tới Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng tới các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân hiểu, nắm vững: quan điểm, chủ trương, đường lối và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra.

Ưu tiên tập trung vốn, huy động các nguồn lực và phối hợp lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của trung ương với nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn huy động khác thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào DTTS như: đường giao thông nông thôn, đường điện, trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi, nước sạch...

Tập trung tổ chức khai hoang, tạo quỹ đất, giải quyết cơ bản nhu cầu đất sản xuất theo Quyết định số 33/2007/QĐ – TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; gắn việc giao đất với tăng cường công tác quản lý đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; ngăn chặn việc xâm canh lấn chiếm đất quy hoạch giao cho đồng bào DTTS và thực hiện các dự án định canh, định cư. Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS hằng năm từ 2 – 2,5%. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc giảm còn 8–10%.

Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo, phát triển hoàn thiện mạng lưới trường lớp các cấp, hệ thống trường chuyên nghiệp, dạy nghề... Ưu tiên đầu tư y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhất là các vùng khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, biên giới.

Củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS.

Cảm ơn đồng chí.


Phạm Lam (thực hiện)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây