Đem ngân hàng đến với… người nghèo

Thứ ba - 16/07/2024 21:33
BPO - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bù Đăng Hạp Tiến Khoa chia sẻ: Với đặc thù công việc là “đem ngân hàng đến với người nghèo”, mỗi cán bộ tín dụng chính sách luôn hiểu nhiệm vụ và trách nhiệm của mình là nâng cao ý thức phục vụ người dân. Khi làm tốt công việc, người dân hài lòng, đó là cách thiết thực nhất để học và làm theo Bác.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bù Đăng lần thứ 32 diễn ra ngày 10-7 vừa qua, Chi bộ Ngân hàng CSXH huyện vinh dự được Tỉnh ủy Bình Phước tặng cờ thi đua 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giai đoạn 2019-2023. Cá nhân Bí thư Chi bộ, Giám đốc Hạp Tiến Khoa là điển hình học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2023, được UBND tỉnh khen thưởng.

“Thuyền trưởng” năng động

Một nét riêng dễ nhận biết của hệ thống Ngân hàng CSXH, đó là thực hiện luân phiên các giao dịch ngay tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn. Là người đứng đầu Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Đăng, anh Khoa cũng thường xuyên có mặt tại những buổi giao dịch lưu động như vậy. Theo anh Khoa, do đặc thù nên đây là công việc thường xuyên của những người làm tín dụng chính sách. Đến với dân, gần dân thì mới hiểu, tháo gỡ và xử lý kịp thời những phát sinh, khi đó mới thực sự đồng hành, làm “bà đỡ” cho người dân vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương. Vừa được giải ngân cho vay 60 triệu đồng, bà Lưu Thị Hoa ở xã Bom Bo, huyện Bù Đăng phấn khởi: Tôi vay vốn Ngân hàng CSXH nhiều lần rồi. Nhìn chung, cán bộ, nhân viên ngân hàng thực hiện thủ tục rất nhanh gọn, người dân đỡ đi lại nhiều lần…

Bí thư Chi bộ, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Đăng Hạp Tiến Khoa đến nhà và trao đổi với người dân về cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả

Bí thư Chi bộ, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Đăng Hạp Tiến Khoa chia sẻ: Thực hiện các giao dịch lưu động được ví như “đem ngân hàng đến với người nghèo”, cũng sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng, chúng tôi cố gắng hết mình để đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo, giúp họ từng ngày thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn.

Ngân hàng CSXH huyện Bù Đăng đang triển khai 14 chương trình tín dụng với tổng dư nợ gần 600 tỷ đồng. Một số chương trình cho vay đạt hiệu quả cao, như chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 172 tỷ đồng; cho vay vốn học sinh, sinh viên 95 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 89 tỷ đồng… Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay đạt hơn 99 tỷ đồng, với hơn 2.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn…

 

Công tác tín dụng đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn huyện. Anh Điểu Vũ ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng phấn khởi: “Ngân hàng cho gia đình vay vốn nhiều lần rồi. Tới nay là vay được 110 triệu đồng. Vay tiền về làm nhà, mua bò, đến nay gia đình có 12 con bò, có nguồn thu ổn định và đã thoát nghèo”. Còn với hộ chị Trần Thị Kim Yến ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, hơn 400 triệu đồng vay từ Ngân hàng CSXH đã giúp các con của chị nuôi dưỡng ước mơ học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. “Nếu không có Ngân hàng CSXH hỗ trợ, gia đình tôi không thể nuôi 4 người con học đại học được. Chúng tôi rất biết ơn chủ trương, chính sách này của Nhà nước” - chị Yến xúc động.

Đảng viên tốt, chi bộ xuất sắc

Trong nhiều năm qua, hoạt động của Ngân hàng CSXH huyện Bù Đăng luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng và nhiệm vụ chính trị hằng năm. Đơn vị đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng, có đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân, tận tụy trong thực hiện nhiệm vụ. Chất lượng tín dụng chính sách toàn huyện đạt 98,56 điểm, xếp loại tốt, tất cả xã, thị trấn đều được xếp loại tốt. Có được những kết quả đó, việc triển khai các chuyên đề học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được thực hiện nghiêm túc và mọi người đều gương mẫu thực hiện. Từ đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề, sâu sắc khi đi cơ sở. Đặc biệt, khi tiếp xúc với nhóm khách hàng đặc thù, họ luôn xác định mình là những người con, người cháu gần gũi với người dân, hướng dẫn, giúp đỡ để nhân dân được vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích. ““Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” - tôn chỉ của Ngân hàng CSXH luôn được chúng tôi quán triệt để anh em rèn luyện và phát huy. Mỗi ngày, thấy cuộc sống của người dân thay đổi, thì chúng tôi biết công việc mình làm có ý nghĩa” - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Phòng Giao dịch Hạp Tiến Khoa chia sẻ.

Với đặc thù “đem ngân hàng đến với người nghèo”, mỗi cán bộ, nhân viên Ngân hàng CSXH luôn tận tình giúp đỡ người dân vay vốn

Chi bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đăng nhận cờ thi đua 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Những gian nan, vất vả của người làm tín dụng chính sách ở huyện Bù Đăng nói riêng và toàn ngành nói chung khó có thể kể hết. Thế nhưng, với những ưu thế của mình, các hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, phát triển hội viên, tiếp tục góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương… Và đó cũng chính là động lực để mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng “vì người nghèo” luôn linh động, sáng tạo đáp ứng nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao.

Sưu tầm: Thành Lộc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây