Phát thanh - Truyền hình Sông Bé: Nghe, để biết và yêu hơn

Thứ ba - 16/07/2024 21:35
BPO - Hòa chung trong dòng chảy 100 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, trên các lĩnh vực phát thanh - truyền hình (PT-TH), báo in, báo điện tử của 2 tỉnh Bình Dương - Bình Phước đã không ngừng đổi mới theo hướng số hóa, hiện đại. Song, đọng lại trên dòng chảy ấy là dấu ấn về một thời làm báo đầy khó khăn của thế hệ những người làm PT-TH Sông Bé giai đoạn 1977-1987. Bài viết để chúng ta hiểu thêm về họ, thay lời tri ân và là động lực tiếp bước thế hệ những người làm báo trẻ ngày nay.

Cán bộ, viên chức nhận nhiệm vụ về tỉnh Bình Phước công tác, chụp ảnh lưu niệm trước khu nhà bá âm của Đài PT-TH Sông Bé năm 1997 - Ảnh tư liệu

Nhà đài “khai hoang, làm rẫy”

Tôi vào làm việc tại Đài PT-TH Sông Bé những năm 1995-1996. So với các anh chị trước, tôi là thế hệ những người làm báo “thời dễ thở” hơn, khi mà đời sống sinh hoạt đã có phần phát triển; phương tiện và thiết bị tác nghiệp lúc bấy giờ cũng đã “ngon” hơn so với các anh chị vào thập niên đầu mới thành lập đài (1977-1987).

Một buổi họp mặt cơ quan tại hội trường Đài Sông Bé những năm 1980 - Ảnh tư liệu

Là một trong những phóng viên, biên tập viên đầu tiên của Đài Sông Bé, ông Nguyễn Văn Trãi, nguyên Trưởng phòng Chuyên đề, Đài PT-TH Bình Dương kể lại ký ức về những ngày đầu khi Đài Sông Bé được thành lập và chính thức buổi phát sóng đầu tiên vào ngày 2-10-1977.

Ông Nguyễn Văn Trãi, nguyên Trưởng phòng Chuyên đề, Đài PT-TH Bình Dương - Ảnh: Hoàng Sơn

...“Những năm đầu xây dựng đài đã khó. Những năm sau đó, cả nước trong tình hình khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Đời sống người dân và cán bộ nhà nước cũng hết sức khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm. Tôi nhớ, khi đó cán bộ, công nhân viên của đài mỗi tháng được cấp 12kg lương thực, trong đó chỉ có 3kg gạo, còn lại là rau, củ, bo bo... Vì vậy, anh chị em phải “tăng gia sản xuất” bằng cách tận dụng khoảnh sân nhà, đất trống để đào ao nuôi cá, nuôi thêm gà, heo hoặc trồng rau, củ để cải thiện đời sống”.

Khi được hỏi về thời điểm anh chị em Đài Sông Bé đi khai hoang, làm rẫy..., ông Trãi nhấp ly cà phê, kể: “Đó là khoảng thời gian đầy ắp kỷ niệm. Khổ cực thì nhiều, nhưng bây giờ nhớ lại thấy rất vui khi anh chị em vừa thực hiện công việc chuyên môn vừa cùng nhau làm rẫy. Từ thời chú Sáu Cương (ông Lê Tấn Cương, Giám đốc đài đầu tiên thời Sông Bé) đến chú Hai Định (ông Đặng Kiên Định, người tiền nhiệm, tiếp nối sau chú Sáu Cương) là chuỗi thời gian dài gần 10 năm (1977-1987), lãnh đạo đài cùng tập thể cán bộ, viên chức vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền vừa tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống”.

Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo tỉnh làm việc với Ban Giám đốc Đài Sông Bé những năm đầu xây dựng

Trong giai đoạn 1978-1988, nhiều diện tích đất ở các huyện Tân Uyên, Bến Cát, Bình Long lúc bấy giờ từng được UBND tỉnh Sông Bé tạm giao cho đài “khai hoang, làm rẫy”. Vậy là Ban Giám đốc cùng cán bộ, viên chức của đài lúc đó khoảng 30 người, được sắp xếp phân công nhau thành từng đợt để “lên rẫy” sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Trường, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương (giữa) cùng các cán bộ, viên chức Đài PT-TH Bình Dương đã nghỉ hưu - Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Nguyễn Đức Trường, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương, nguyên Phó Giám đốc Đài PT-TH Sông Bé kể: “Thời điểm ấy, tôi là Trưởng Ban biên tập, phụ trách phóng viên cùng một số phòng, ban khác được Ban Giám đốc phân công, cử người để tham gia... Chúng tôi chia thành nhiều nhóm và nhiều đợt để thay nhau “đi làm rẫy”... Mỗi nhóm từ 7-10 người, chủ yếu là đàn ông, thanh niên để tiện việc ăn, nghỉ và lao động, sản xuất. Những người ở lại phải gánh vác công việc chuyên môn cho những người đi. Cứ như thế luân phiên trong hàng chục năm”.

Anh Phan Văn Thảo, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Đài PT-TH và Báo Bình Phước (BPTV) cũng có những hồi ức về thời điểm đó. Anh kể: “Giai đoạn 1985-1987 là mốc thời gian 3 năm đầu tôi về Đài Sông Bé làm việc. Lúc đó, nhiệm vụ chính của tôi là cán bộ kỹ thuật quản lý truyền thanh, nhưng do trẻ và ở trong khu tập thể nên thường được các chú, các anh nhờ hỗ trợ nhiều việc của tổ chức hành chính, trong đó có cả việc tăng gia sản xuất của cơ quan”.

Anh Phan Văn Thảo (đứng thứ tư từ trái qua) trong đợt hội trại thanh niên các đài PT-TH miền Đông Nam Bộ thời Sông Bé

Nhớ lại lúc tham gia làm rẫy tại Bình Long thời bấy giờ, anh Thảo kể: “Có nhiều đợt tôi cùng các chú, các anh lên rẫy ở Bình Long. Lúc thì chỉ tôi với anh Xuân Nam (ông Nguyễn Xuân Nam, nguyên Trưởng phòng Chuyên đề Đài PT-TH Bình Dương, nguyên Trưởng ban Biên tập Đài PT-TH Bình Phước) lên đốt cỏ, chống cháy cho vườn điều. Khi thì đi cùng anh Đức Trường, anh Trãi, anh Minh Hoàng (ông Phan Minh Hoàng, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bình Phước) ở cả mấy tuần để làm cỏ, vào phân, chăm sóc vườn điều...

Anh còn kể lại chuyện có một người bạn, khi đó nhờ anh giới thiệu để xin việc sau khi tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ. Nhưng hôm cầm hồ sơ lên đài, đúng lúc anh đang chuẩn bị cuốc, rựa đi rẫy. Thấy vậy, người bạn đó đã “quay xe” không trở lại!

“Cày ải, vượt khó... giữ đài!”

Thời điểm những năm đầu thành lập đài cho đến những năm đầu của thập niên 90 thì Đài Sông Bé mới có thêm chức năng truyền hình. Một số cán bộ, viên chức của đài lúc đó được cử đi học các khóa đào tạo quay phim, đạo diễn truyền hình. Người ít, việc nhiều, lại thêm nhiều anh chị em phải đi học để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đời sống sinh hoạt đã khó khăn, càng khó khăn hơn khi mỗi cán bộ, viên chức của đài lúc bấy giờ vừa “cày” việc vừa thay phiên nhau đi cày cấy rẫy nương để có thêm chút gạo, củ khoai...

Ông Nguyễn Đức Trường kể lại, việc tăng gia sản xuất của Đài Sông Bé lúc đó cũng rất đa dạng cây trồng. Khi thì trồng mía, trồng mì ở Nông trường Bà Đả, khi thì trồng điều ở Minh Hưng cũng có lúc trồng lúa ở Minh Đức (Bình Long). Anh Phan Văn Thảo kể, anh nhớ nhất lần lên rẫy ở Minh Đức: “Đợt đó, anh Đức Trường là trưởng nhóm, cùng đi còn có anh Trãi, anh Hoàng và 5, 6 anh em khác. Anh Hoàng là người biết nấu ăn và nấu ăn khá ngon nên luôn đảm nhận việc nấu nướng mỗi ngày cho anh em. Thấy anh cũng biết nấu ăn, nên anh Hoàng đã chọn anh phụ việc bếp núc. Khi thì lội ruộng qua nhà dân xin vài trái mướp, trái bầu; phụ vo gạo, luộc rau; dọn cơm, rửa chén... Khi thì phải đạp xe từ rẫy ra tận ngoài lộ để mua chút gia vị, mấy gói thuốc... Có hôm là cục nước đá đem vào rẫy, mà phải đạp xe thiệt nhanh chứ không đá tan hết!... Đêm xuống thì theo anh Trãi đi cắm câu dọc bờ ruộng, chờ đến sáng lại theo anh Trãi đi gỡ câu, khi thì con cá, khi con ếch... được bổ sung vào mâm cơm và có mồi để chiều tối “lai rai””.

Một đợt trao tặng hệ thống loa đài truyền thanh của Ban Giám đốc đài tỉnh

Ông Đức Trường kể: “Hồi đó, cũng có lúc đài không trực tiếp sản xuất, mà liên kết với một số xí nghiệp, nông trường trong tỉnh để có nguồn lương thực hỗ trợ cán bộ, viên chức theo hình thức “trao đổi hàng hóa”... Như là việc ký kết với Nông trường Nha Bích lúc đó bằng thỏa thuận: Đài lắp đặt hệ thống loa truyền thanh, cử cán bộ kỹ thuật bảo trì, bảo quản thiết bị máy móc cho nông trường... Hằng năm, nông trường hỗ trợ lại cho cán bộ, công nhân viên của đài vài tạ gạo”.

Ông Nguyễn Văn Trãi kể rằng, chuyện vừa làm báo vừa làm rẫy lúc đó khó khăn vô cùng, nhưng anh chị em đều phải cố gắng. Điều mừng là anh chị em lúc đó không thấy “ngán” mà ngược lại, rất yêu thương, giúp đỡ nhau chuyện gia đình, con cái những lúc có người đi nương rẫy của cơ quan.

Tôi cũng có thời gian gắn bó với Đài Sông Bé rồi sau đó lên Bình Phước từ những ngày đầu gian khó. Những câu chuyện nghe các anh kể từ gần 50 năm trước, tưởng như đùa nhưng chất chứa biết bao hoài niệm với nỗi buồn, niềm vui mà những người chú, người cô và anh chị thế hệ trước còn chưa kể hết... Với tôi, nghe để hiểu, biết rõ hơn, để trân quý hơn mỗi tấm lòng và tình yêu nghề mà thế hệ trước tạo dựng, dẫn lối cho thế hệ làm báo trẻ hôm nay.

Nhà báo Hoàng Sơn tác nghiệp tại Bình Phước

Nghề báo và lĩnh vực PT-TH đã hòa vào dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam gần tròn 100 năm. Ngược dòng lịch sử báo chí trong 100 năm ấy là hình ảnh của những tờ báo viết tay, tờ báo in giấy cuộn năm xưa cho đến những chất liệu giấy và kỹ thuật in hiện đại ngày nay. Đó là hình ảnh những cuộn băng cối, băng cassette, đĩa CD cùng những cụm loa phóng thanh, những chiếc đài to, nhỏ để thu thanh; đó là hình ảnh của những chiếc máy quay phim nhựa, phim video sử dụng các băng từ VHS, betacam, DV, DVC pro... những chiếc tivi trắng đen, tháp ăng-ten phát sóng và muôn trùng cọc tre, cọc sắt ăng-ten chọc trời thu sóng... cho đến những đường dây cáp đồng, cáp quang và hệ thống phát sóng số như hôm nay.

Song, với tôi và những thế hệ làm báo Sông Bé trước đây thì đó còn là hình ảnh của những nương rẫy với lúa, gạo, mía, khoai, vườn cây, ao cá và cả những giọt mồ hôi thấm đẫm trang báo, hòa vào cánh sóng để lưu dấu trong dòng chảy 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, cũng như gần một nửa thời gian ấy của báo chí Sông Bé và Bình Dương - Bình Phước hôm nay. Nghe, để biết và yêu hơn!

Sưu tầm: Thành Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây