Tại điểm cầu Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, lãnh đạo Sở Nội vụ và các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tham dự phiên họp.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính, đảm bảo thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp và phương châm của năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Từ đó, công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Nổi bật là nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng (xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022). Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, mô hình tốt, điển hình, như: Đà Nẵng, Bình Phước, Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh...
Bình Phước là một trong những địa phương có các kết quả nổi bật trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tham luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, trong những năm qua, Bình Phước luôn xác định “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”; công tác chuyển đổi số được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền phát biểu tham luận tại phiên họp
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bằng các hình thức, cách làm phù hợp, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, công tác chuyển đổi số của Bình Phước đã đạt được kết quả nổi bật như: Đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ” cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử, sử dụng sim chính chủ kèm chữ ký số, người dân sử dụng điện thoại thông minh 4G thay thế các điện thoại 2G. Kết quả, từ ngày 4-4-2024 đến ngày 14-6-2024, đã cấp căn cước công dân cho hơn 8.578/17.464 người cần cấp, đạt hơn 49%; đã kích hoạt định danh điện tử cho 85.486/334.507 người cần kích hoạt, đạt hơn 25%; người dân sử dụng điện thoại thông minh được 13.946/22.095 người cần cấp, đạt hơn 63%; đã hỗ trợ công dân đăng ký sim chính chủ tích hợp chữ ký số được trên 200.000 trường hợp, 23,45% công dân trưởng thành của tỉnh đã có chữ ký số. Triển khai tốt các nền tảng số phục vụ cho công tác truyền thông chính sách, giải pháp công nghệ số "Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước" đạt Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2023 ở hạng mục "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc".
Bình Phước cũng đã xác định được những điểm còn khó khăn, hạn chế, các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới để xây dựng các giải pháp, nhóm giải pháp tổ chức thực hiện.
Sưu tầm: Thành LộcÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn