UBND huyện Bù Đốphttps://budop.binhphuoc.gov.vn/uploads/budop/qhvn_1.png
Thứ năm - 10/05/2018 10:03
Trong 2 ngày 20-21/4/2018, tại Trung tâm VHTT huyện Bù Đốp đã diễn ra Lễ hội Văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện năm 2018. Lễ hội có sự tham gia của trên 150 nghệ nhân, diễn viên và thu hút hàng ngàn khán giả đến xem và cổ vũ cho chương trình.
Huyện Bù Đốp có 20% dân tộc tộc thiểu số với 16 dân tộc anh em gồm: tày, nùng, giao, thái, K’me, S’ Tienge, Hoa… sinh sống đều khắp trên địa bàn huyện tại 7 xã thị trấn. Lễ hội Văn hóa - Thể thao là một sân chơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa truyền thống được lưu truyền qua các thế hệ. Các đoàn cử diễn viên, vận động tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ và thể dục - thể thao như: thi làm nhà sàn, nhà rông, thi thi hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ, trình diễn trang phục, thi đẩy gậy, kéo co … Đặc biệt, qua chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã làm cho các giá trị văn hóa được thăng hoa, các đoàn giới thiệu các lễ hội tiêu biểu ở từng đơn vị, đến các món ăn đặc trưng của các dân tộc như canh Bồi, canh Thục, cơm lam, thịt nướng ống tre của người S’ Tiêng, Heo quay lá mát mật, canh chày của người Tày, Nùng, món Khấu Nhục của người Hoa… cùng với âm vang cồng chiêng rộn ràng của người S’ Tiêng, tiếng túc - tinh trữ tình của người Tày, Nùng, vũ điệu Lâm thôn của người Kh’me...
Đặt biệt Lễ hội năm nay có nhiều nét mới, trong đó, việc tổ chức các hoạt động không trùng lắp về thời gian, đã tạo điều kiện cho người tham gia các trò chơi, cuộc thi, người dự xem hội được xem đầy đủ các nội dung. Trong thể hiện các nội dung, từng đơn vị đã chọn lọc kỹ để diễn những nét chính, cái hay, cái độc đáo của xã mình, phum, sóc mình, giúp cho người xem nhận biết các đặc thù trong đời sống văn hóa các dân tộc anh em. Người xem có thể thấy các diễn viên đã thể hiện khá hay các bài dân ca, múa dân gian cùng với việc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Về xây dựng nhà sàn đẹp đòi hỏi các đoàn phải thể hiện đúng với nét đặc trưng của từng dân tộc cả về vật liệu và kích thước; về văn hóa ẩm thực cũng chọn những món ăn, đồ uống đặc sản…Ngoài ra lễ hội còn trưng bày trên 200 hiện vật gốc được mang đến từ 16 dân tộc an hem trên địa bàn huyện để, triển lãm. khu vực trưng bày tái hiện nghề dệt thủ công của các dân tộc vùng trung du miền núi phía bắc và đồng bào S’Tiêng bản địa cùng với các dụng cụ lao động thô sơ dưới bàn tay khéo léo con người đã tạo ra những nông cụ vô cùng sáng tạo, hữu ích trong phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con như cung, nỏ, xà gạt…
Trong 2 ngày diễn ra Lễ hội, người diễn, người xem như thực sự sống trong hồn thiêng sông núi, với đời sống lao động, văn hóa-nghệ thuật, tình đoàn kết các dân tộc nơi vùng quê biên giới. Người xem được chứng kiến những chàng trai, cô gái của núi rừng khỏe mạnh giương ná, nâng lao, đẩy gậy qua các môn thể thao truyền thống … Những trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hoá lâu đời của cư dân lúa nước, cư dân làm nương rẫy.
Qua Lễ hội ta thấy đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số đa dạng, phong phú, những giá trị nghệ thuật được nuôi dưỡng hàng ngàn năm giữa thiên nhiên hùng vĩ và con người. Từ đó, mỗi chúng ta càng thêm trân trọng vốn văn hóa truyền thống, để những nét văn hóa đặc trưng độc đáo luôn được trao truyền qua nhiều thế hệ, trường tồn với thời gian. đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Bù Đốp được gặp nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm “cách sống hay, lối sống đẹp” thông qua Lễ hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số của huyện nhà.