Đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo
Để phát triển toàn diện nguồn nhân lực vùng DTTS, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản phù hợp. Tính riêng 10 năm trở lại đây, hàng ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức DTTS được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Riêng giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh đào tạo 77.786 người, đạt 173% kế hoạch, trong đó có 10.243 người DTTS; số người DTTS được giải quyết việc làm chiếm 15,95% tổng số người được giải quyết việc làm toàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 306/KH-UBND ngày 11-12-2020 của UBND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc và tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh, là những quyết sách quan trọng để đồng bào DTTS cũng như khu vực vùng sâu, vùng xa có điều kiện vươn lên phát triển bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó 2 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS ở huyện Bù Đốp và Lộc Ninh xây mới theo hướng chuẩn quốc gia; 3 trường bán trú ở các xã Lộc Khánh, Lộc Hòa (huyện Lộc Ninh) và Trường TH&THCS Kim Đồng (thị xã Bình Long)... Đây là nơi đào tạo lực lượng kế cận đáng tin cậy trong phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS chất lượng cao.
Thực hiện chính sách đặc thù đã giúp vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước khởi sắc rõ nét, đạt nhiều kết quả tích cực
Cùng với đó, các dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng được triển khai thực hiện nhiều hạng mục. Tiêu biểu là việc sưu tầm và trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng), thể hiện chủ đề “Truyền thống Bom Bo”, “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Bình Phước”; phục dựng lễ hội Cầu mưa của người S’tiêng, lễ hội Phá bàu của đồng bào Khmer… Việc nghiên cứu về đám cưới, phong tục tập quán, trang phục truyền thống, chế biến rượu cần của các DTTS ở Bình Phước như S’tiêng, Khmer, M’nông... cũng được quan tâm thực hiện.
Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chăm lo phát triển đời sống vật chất, tinh thần, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Đồng bào M'nông huyện Bù Đăng tái hiện hoạt động giã gạo nuôi quân thời kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: Xuân Túc
Ông Điểu Nen, Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định: “Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc. Ở Bình Phước, lãnh đạo tỉnh cụ thể hóa bằng việc sát sao chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội ngày 19-6-2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; các chính sách liên quan đến đồng bào DTTS ở Trung ương và tỉnh... Từ đó, không chỉ kinh tế đổi thay mà đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS ở tỉnh cũng chuyển biến rõ nét, tạo dấu ấn trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, bảo tồn giá trị văn hóa cho đồng bào”.
Nhân rộng hạt nhân tiêu biểu
Theo Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 23-2-2024, giai đoạn 2023-2027, Bình Phước có 97 già làng và gần 500 người có uy tín trong đồng bào DTTS được công nhận. Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở… Cùng với đó, các già làng, người có uy tín còn là hạt nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt lĩnh vực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, đã có hàng trăm tấm gương tiêu biểu ở khắp thôn, ấp trong tỉnh được nhận giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở.
Già làng Điểu Bum ở thôn Bù Kroai, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập bày tỏ: Với cương vị, trách nhiệm là già làng, mình luôn gương mẫu chấp hành tốt các quy định của pháp luật và địa phương. Đồng thời vận động người thân, bà con trong thôn cùng thực hiện, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bình Phước hiện có hơn 2.000 đảng viên người DTTS. Đây là lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Tuy nhiên, con số này còn ít so với tổng số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, kết nạp quần chúng DTTS ưu tú vào Đảng vừa góp phần xóa tình trạng thôn, ấp không có đảng viên vừa tạo nên “hàng rào thép” trong tuyên truyền, đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là lực lượng xung kích quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới và lan tỏa những thông điệp tích cực đến đồng bào DTTS…
Trong thời đại 4.0 hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài chống phá Đảng, Nhà nước ngày càng tinh vi. Chúng chủ yếu lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận đồng bào DTTS để kích động, khoét sâu mâu thuẫn từ những tranh chấp dân sự nhỏ thành xung đột xã hội, kích động mâu thuẫn, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, quan tâm chăm lo đời sống đồng bào DTTS, tiếp nhận thông tin thông qua già làng, đảng viên người DTTS luôn được đặt lên hàng đầu và gắn kết thường xuyên, nhất quán...”. |
Trưởng ban Dân tộc tỉnh ĐIỂU NEN |
Nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của thế lực phản động
Lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết vùng đồng bào DTTS của thế lực thù địch không mới. Nhưng âm mưu thâm độc và ngoan cố chống phá Đảng, Nhà nước của kẻ thù vẫn đang phát tác nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Vì vậy, để hỗ trợ có chiều sâu trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc và mở hàng chục lớp đào tạo, dạy tiếng dân tộc cho những người thường xuyên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS. Đây là nguồn lực quan trọng thông qua các hoạt động truyền thông để trợ giúp pháp lý, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong đồng bào DTTS. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xóa dần hủ tục, hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện không đúng pháp luật...
Ông Điểu Sa Ri ở ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú cho biết: Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên được tập huấn về chính sách, pháp luật, phương pháp đấu tranh, phản bác âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng. Từ đó, chúng tôi hiểu và tuyên truyền, giải thích cho bà con không nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu làm điều trái pháp luật.
Đẩy mạnh tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS, qua đó ngăn chặn, đẩy lùi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch
Thành quả hiện hữu trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cả về đời sống vật chất và tinh thần hôm nay cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng cơ chế, chính sách sâu sát, phù hợp, đảm bảo cơ sở pháp lý. Sự đổi thay tích cực đó là minh chứng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc. Đây không chỉ là sự kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà còn khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nền tảng bền vững làm thất bại mọi âm mưu thâm độc, “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch, phản động trong vùng đồng bào DTTS nói chung và tại Bình Phước nói riêng.
Ý kiến bạn đọc